Chuyển đến nội dung chính

Làm ở khu vực Công hay Tư thì tốt hơn?

Một chủ đề luôn rất thời sự, lại nhân cái dịp nhà nước đang thực hiện chủ trương tin gọn bộ máy, tôi cũng góp một vài ý kiến với tư cách là người đã từng ở trong cả hai khu vực Công & Tư. Trước hết xin được rất thành thật là tôi chưa bao giờ phải đi xin việc. Số là tốt nghiệp đại học, may mắn tôi được Ulaw tuyển dụng làm Giảng viên luôn. Hoàng tráng lệ, đỉnh của chóp, kịch trần bay phất phới luôn! Tôi theo đuổi nghiệp gõ đầu trẻ sơ sơ đâu đó 13 năm! Giờ thì ra khỏi môi trường giáo dục, làm luật sư chuyên nghiệp.

Sau ngần ấy thời gian, các bạn đồng khoá giờ đã là partner của các hãng Luật danh tiếng, tiền thì không đếm xuể. Vậy thì lựa chọn ở lại trường luật, và rộng hơn là lựa chọn làm cho khu vực công (public sector) có phải là một sai lầm hay không? Câu hỏi này là quá lớn để [một người như tôi] trả lời. Tuy vậy, tôi sẽ trả lời dựa trên những trải nghiệm & cảm nhận cá nhân, gắn liền với bối cảnh rất cụ thể của tôi.

 

Với tôi 13 năm ở trường luật là khoảng thời gian rất đáng giá. Tôi được làm thứ mình thích, được làm việc trong môi trường toàn những bạn trẻ và quan trọng nhất là có cơ hội để học hành. Tôi vẫn tin mình là một người ham học, nhưng tôi không chắc mình có lấy được bằng Tiến sỹ nếu tôi làm ở doanh nghiệp hoặc công ty luật hay không. Ở môi trường đại học, tôi được trả lương để đọc sách, nghiên cứu và giảng dạy. Cho nên, có ba (03) thứ giá trị khi làm giảng viên ở trường đại học là: kỹ năng thuyết trình, tư duy khái quát và học vị cao. Cho đến bây giờ khi bước ra môi trường tư nhân thì kỹ năng thuyết trình và tư duy khái quát là thứ mà cá nhân tôi [và cả những ai trưởng thành từ môi trường đại học] đều phục vụ rất hiệu quả cho việc hành nghề luật sư chuyên nghiệp. 

 

Nhưng trong hoàn cảnh cá nhân của tôi, sau một thập kỉ làm việc ở môi trường đại học những giá trị mà môi trường này mang lại ngày càng giảm. Có hai thứ mà tôi cho là đáng thất vọng ở giải đoạn này: 

 

(1)  Thù lao quá bèo. Nhà giáo được chi trả ở mức đủ để cá nhân người đó sống một cách chật vật. Và nó hoàn toàn không đủ để nuôi thêm một người khác. 

(2)  Môi trường làm việc tầm thường. Về mặt kinh viện, các đại học Việt Nam chưa đủ đẳng cấp để làm những chuyện lớn, những dự án quốc tế. Bằng một cách nào đó người ta vẫn loay hoay với vài toạ đàm, hội thảo cấp khoa và có rất ít các nghiên cứu mang tính ứng dụng một cách hiệu quả. Trong khi đó những công việc thực tiễn thì giảng viên không có cơ hội làm, mà trong đó lý do chính là pháp luật luật sư CẤM. 

 

Quyết định rời trường luật là một trong những quyết định khó khăn nhất mà tôi đã đưa ra. Lỡ mà ra ngoài không tìm được việc làm, lỡ mà mình không thích nghi được. Ôi chao là 807 thứ “lỡ mà”. Nhưng rồi tôi cũng đã ra khỏi trường luật. Có quá nhiều thứ mình phải học. Tôi may mắn làm cho một doanh nghiệp lớn, và có cơ hội tiếp xúc với những doanh nhân giàu có bậc nhất của Việt Nam. Tôi nhận ra rằng hoá ra có những thứ thú vị như thế sao. Hoá ra luật có thể đóng góp vào quá trình vận hành của một doanh nghiệp như vậy hay sao, hoá ra hoạt động kinh doanh có thể tạo ra những giá trị lớn đến như vậy hay sao. Và cũng có “902 thứ hoá ra” mà vì bốn bức tường của đại học đã ngăn không cho mình nhìn thấy những thứ như thế. 

Làm ở khu vực tư có quá nhiều thứ được. Tiền, đương nhiên không bàn cãi gì cả. Tư duy cũng được trui rèn và được kiểm nghiệm ngay lập tức trong quá trình mình cung cấp dịch vụ. Nếu phải chọn cái thành tựu lớn nhất khi làm ở môi trường tư nhân là gì, không ngần ngại tôi cho đó là sự trưởng thành về mặt tư duy. Có tư duy tốt, nghề nghiệp sẽ tốt và mình quản trị cuộc đời cũng sẽ tốt hơn.

 

Nhưng làm khu vực tư có phải đánh đổi gì không? Xin thưa có, nhiều nữa là khác. Luận án Tiến sỹ của tôi là về Cạnh tranh. Ngày còn làm Nghiên cứu sinh, tôi tự tin đi khắp các đại học Âu, Á mà vênh váo về các khuynh hướng trong cạnh tranh, giờ thì kiến thức luật cạnh tranh đã rơi rụng sạch sẽ. Lý do là trong 5 năm vừa rồi, đã có dịp nào để tư vấn về món này đâu. Thị trường mà, yêu thích là một chuyện. Nhưng nếu không tạo ra tiền thì những yêu thích đó phải cất để ưu tiên cho những thứ khác. Cơm áo đâu đùa với...luật sư. Ngày xưa làm ông giáo, chuyện gặp gỡ bạn bè, chuyện du lịch nọ kia là rất đơn giản vì thời gian là thong thả. Nhưng đã làm khu vực tư nhân thì chuyện thời gian trống là chuyện rất hiếm hoi. Và cái quan trọng là cách hành xử trong môi trường tư nhân và môi trường đại học là rất khác nhau.

 

Thôi thì đời là trade-off mà. Bạn phải luôn đánh đổi gì đó. Tuỳ vào việc bạn muốn gì và hoàn cảnh của bạn thế nào. Khu vực tư nhân và nhà nước đều có những thứ thú vị và cả những phiền toái của nó. Và quan trọng là việc “bạn muốn gì” ở mỗi giai đoạn cuộc đời là khác nhau.

Chào nhé, thân ái và quyết thắng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...