Chuyển đến nội dung chính

Bản chất của Luật Phá sản: Nhìn từ case Đức Long Gia Lai và Lilama

 


Vụ Đức Long Gia Lai (Đức Long) khởi kiện Lilama 45.3 (Lilama) ra Toà Quảng Ngãi với lý do trước đó Lilama đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản một cách vô căn cứ với Đức Long làm cho uy tín của họ bị ảnh hưởng [VNexpress ngày 03/08/2024].

Đây là một vụ thú vị và rất đáng để theo dõi. Trong nhiều năm qua, tại Việt Nam Luật Phá sản đâu đó vẫn là một “con hổ giấy”, tức là rất có uy nhưng về cơ bản lại không xài được. Theo đó điều kiện để Toà thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với một doanh nghiệp là “có khoản nợ quá 3 tháng, chủ nợ đã đòi mà con nợ không trả”. Điều kiện rất đơn giản nhưng để toà thụ lý vụ việc và khởi động vụ phá sản là không hề dễ dàng. Trên thực tế hàng loạt các sự kiện liên quan đến các công ty bất động sản trong hai năm qua, những khoản nợ từ việc phát hành trái phiếu nhưng bằng một cách vi diệu nào đó mà Luật Phá sản vẫn chưa được áp dụng.


Cần phải thấy khi một doanh nghiệp yêu cầu áp dụng Luật Phá sản, bên cạnh việc tốn rất nhiều thời gian thì họ còn phải gánh chịu khoản chi phí tài chính không hề nhỏ khi theo đuổi một vụ phá sản. Việc có quá nhiều các tác nhân ngoài tác động đến quá trình thụ lý vụ phá sản sẽ dẫn đến những hệ luỵ vô cùng tai hại. Cụ thể: 

-             Phát sinh tâm lý “chiếm dụng vốn” từ con nợ. Bởi, nếu chỉ tiến hành thu hồi bằng cách khởi kiện ra Toà và/hoặc Trọng tài, thời gian tiến hành tố tụng là rất lâu. Con nợ có thể lợi dụng quá trình này để chiếm dụng vốn của chủ nợ. Cái giá mà họ trả chỉ là bồi thường cho một khoản lãi suất nợ quá hạn. Quá nhẹ nhàng!

-             Vị thế của chủ nợ không được tôn trọng trong các cuộc đàm phán. Bởi suy cho cùng, nếu thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì chủ nợ sẽ lấy gì để gây sức ép trong qúa trình đàm phán? Suy cho cùng, nếu đàm phán không thành, thì chủ nợ cứ kiện, và con nợ cứ kéo dài thời gian tố tụng và bồi thường bằng chút tiền lãi nợ quá hạn. Đó là chưa kể đến việc thi hành án, chao là nhiêu khê!


Nên phải thấy, bản chất của Luật Phá sản không phải là nhằm để giết doanh nghiệp hay để siết nợ. Bản chất của Luật Phá sản là (i) Tạo ra mối răn đe và (ii) Hoán Đổi Nợ:

1.      Tạo ra mối răn đe: Hệ quả khủng khiếp của một vụ phá sản là mọi khoản nợ chưa đến hạn sẽ ngay lập tức được coi là đến hạn. Cho nên, nếu Luật Phá sản được thực thi một cách nghiêm minh thì khả năng khởi động một vụ phá sản sẽ là một cú “ép phê” ghê gớm. Điều đó góp phần giải quyết câu chuyện cố tình chây ì trong việc trả nợ.

2.      Hoán đổi nợ: các thống kê gần đây cho thấy phần đông các doanh nghiệp khi lâm vào phá sản thì khả năng chi trả của họ chỉ còn 10 – 20%. Do đó, về mặt kinh tế sẽ là không khôn ngoan khi các chủ nợ thúc đẩy việc thanh lý con nợ. Thay vào đó, họ sẽ có thể dùng Hội nghị chủ nợ để ra nghị quyết về việc hoán đổi nợ, nôm na là siết công ty với giá rẻ bèo. Đó cũng là một cách thú vị để phân bổ nguồn lực kinh tế từ chỗ sử dụng kém hiệu quả sang chỗ hiệu quả hơn. Thị trường là nơi được đo đếm bởi tính hiệu quả. Nên khi ai đó sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, chủ thể đó sẽ bị trừng phạt!


Quay trở lại câu chuyện của Đức Long và Lilama, việc Đức Long khởi kiện Lilama cũng là chuyện bình thường. Bởi họ hoàn toàn có quyền khởi kiện khi có cơ sở cho rằng Lilama cố tình yêu cầu nở thủ tục phá sản một cách vô căn cứ làm cho uy tín của họ bị thiệt hại. Tôi không có hồ sơ trong tay để đánh giá việc này là đúng hay sai. Nhưng với trải nghiệm của hơn một thập kỉ hành nghề, tôi cho rằng không dễ dàng để Toà mở thủ tục phá sản. Nói cách khác, việc thụ lý đơn phá sản đã phải trải qua quá trình sàng lọc rất gắt gao. 


Cũng cần lưu ý thêm, một khái niệm rất không rõ ràng trong Điều 5.1 của Luật Phá sản có thể sẽ được mổ xẻ đến tận cùng trong vụ này. Cụ thể: 

“Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.

Câu hỏi được đặt ra: thế nào là KHÔNG THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THANH TOÁN? Giả sử con nợ chỉ trả 300 triệu trong tổng số nợ là 14 tỷ, có tính là không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hay không? Về mặt thoát ý, ta có thể hiểu “không thực hiện nghĩa vụ thanh toán” là không trả đầy đủ hoặc đáng kể số tiền 14 tỷ, qua đó mục đích của chủ nợ là không đạt được. Nhưng suy cho cùng, đó chỉ là một cách hiểu. Xét về mặt câu chữ từ Điều 5.1 của Luật Phá sản, một khi con nợ đã thanh toán 300 triệu/ 14 tỷ thì phải coi là họ đã thanh toán một phần khoản nợ. Nói cách khác, không thể coi con nợ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán và qua đó chủ nợ không có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Thôi thì chờ xem phiên toà giữa Đức Long và Lilama vậy.

Nhận xét

  1. Em đã đọc hết bài viết của thầy, đích thị khi làm thực tiễn qua 02 vụ, em nhận ra Luật Phá sản có rất nhiều điều bỏ ngõ. Thầy nhận định đúng chìa khóa của vấn đề ạ. Em cảm ơn thầy <3

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chả phải tự nhiên mà các Luật sư ít xài Luật Phá sản. Hi vọng là trong tương lai quan điểm của Toà án sẽ cởi mở hơn.

      Xóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Quyền Tổng Giám đốc: Anh là ai?

  Sáng nay đọc bài của Luật sư Trương Thanh Đức về việc một doanh nghiệp bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc, trong bối cảnh Tổng Giám đốc của của doanh nghiệp này vẫn chưa từ nhiệm [hoặc có bất kì một cơ sở nào theo Luật Doanh nghiệp về việc tư cách Tổng Giám đốc đương nhiên bị chấm dứt]. Tôi tôn trọng quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, nhưng cách tiếp cận của tôi khác anh .