Chuyển đến nội dung chính

Thoả thuận quản lý luân phiên trong liên doanh

 


[Bản án số 32/2024/KDTM-PT ngày 12/06/2024 của TAND cấp cao tại TP.HCM]

Một vụ tranh chấp với rất nhiều vấn đề pháp lý thú vị nhưng tiếc là Hội đồng xét xử nhận định quá kém. Bản án này là một trong những bản án đáng thất vọng vì các điểm sau đây:

A.     Hình thức

1.      Việc mã hoá các thông tin chủ thể được thực hiện rất cẩu thả. Người đọc rất vả để hiểu bản án đang đề cập đến chủ thể nào. Ví dụ, nguyên đơn đang được mã hoá là CTCP T3, tự dưng đoạn sau thành V1. Liên doanh do nguyên đơn và bị đơn cùng nhau thành lập đang là Công ty TNHH M, đoạn dưới đề cập là M2. Cái này không liên quan đến chuyên môn, mà nó thể hiện một cách làm việc cẩu thả và tuỳ tiện.

2.      Bằng một cách vi diệu nào đó bản án này dùng rất nhiều chữ “đại diện hợp pháp”. Ví dụ, người có quyền và nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH M.

Người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH M: ông Tong Chin H (vắng mặt)

Người đại diện hợp pháp của ông Tong Chin H: bà ____

Và còn nhiều chỗ nữa khi nói về các chủ thể khác. Chả lẽ thư kí toà và Hội đồng xét xử không biết dùng chữ: đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH M: ông _____ (vắng mặt), đại diện theo uỷ quyền: bà ____(có mặt)? Hay người ta nghĩ rằng dùng chữ “người đại diện hợp pháp” thì nghe nó “sang” hơn? Cái sai này không liên quan đến tính cẩu thả mà nó [một khía cạnh nào đó] phản ánh chất lượng chuyên môn.

3.      Điểm cuối cùng về hình thức chính là kỹ năng viết. Câu cú, diễn đạt sao mà nó lủng củng, dài dòng và rối rắm kinh khủng.

B.     Chất lượng của việc áp dụng pháp luật

1.      Tranh chấp này nếu được xử chất lượng nó sẽ giúp ích cho các luật sư thương mại rất nhiều. Bởi đây là một trong những bản án ít ỏi đề cập đến các dạng thoả thuận “phi truyền thống” giữa các cổ đông. Cụ thể, các bên thoả thuận về việc quản trị luân phiên, tức là mỗi bên sẽ có quyền đề cử người của mình vào trong các Board và nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc (chỉ có cái hơi lạ là trong vụ này, thay vì thoả thuận trong Thoả thuận Cổ đông thì các bên qui định hẳn vào trong điều lệ). Giá trị pháp lý của các thoả thuận kiểu này trong quá trình giải quyết tại Toà án vẫn còn mang tính chưa rõ ràng và ít được kiểm chứng.

Đồng thời vấn đề một thành viên/cổ đông của công ty khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi công ty bị thua lỗ cũng là một vấn đề quá thú vị. 

Đáng tiếc là cả hai vấn đề này đều không được đề cập đến.

2.      Bất kể những tình tiết hay ho như trên, bản án không xác định được:

-             Việc một thành viên không thực hiện việc đề cử người theo thoả thuận cổ đông, trong trường hợp này được ghi vào trong điều lệ, liệu có phải là hành vi vi phạm nghĩa vụ hay không (trong tương quan so sánh với hệ qui chiếu là Luật Doanh nghiệp) hoàn toàn không được Hội đồng xét xử đề cập đến.

-             Vấn đề tiếp theo là tư cách khởi kiện. Hội đồng xét xử hoàn toàn không lý giải được cũng như viện dẫn cơ sở pháp lý của việc kiện đòi bồi thường thiệt hại. Cụ thể: thành viên T3 khởi kiện thành viên còn lại với lý do “bởi vì ông không cử người làm Tổng Giám đốc nên dẫn đến hệ quả là Công ty TNHH M không thể hoạt động được và nó bị lỗ 18 tỷ đồng”. Vậy thì về mặt logic, T3 sẽ yêu cầu thành viên còn lại phải (i) bồi thường cho Công ty TNHH M toàn bộ thiệt hại (18 tỷ đồng), hay (ii) bồi thường cho T3 50% thiệt hại (9 tỷ đồng). Thiết nghĩ đó là vấn đề cần làm rõ cả về mặt cơ sở pháp lý và người được bồi hoàn nếu yêu cầu khởi kiện được chấp thuận.

Bất kể các hạn chế trên, bản án số 32/2024/KDTM-PT ngày 12/06/2024 của TAND cấp cao tại TP.HCM vẫn rất đáng để tham khảo. Chúng ta sẽ rút ra được:

1.      Một dạng tranh chấp khá thú vị trong quá trình quản trị;

2.      Tự mình rút ra kết luận về cách xác định tư cách khởi kiện, vấn đề khởi kiện và cơ sở pháp lý; và

3.      Suy ngẫm về kỹ năng viết để có một kết quả tốt hơn trong quá trình hành nghề.

Tải bản án

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hợp đồng M&A: Những thoả thuận tiêu chuẩn

  Giao dịch M&A thường được cấu trúc ở hai dạng là Mua Bán Cổ Phần hoặc Mua Bán Tài Sản. Có thể nói, Hợp đồng là linh hồn của một giao dịch. Phong cách của các hãng khác nhau cũng như kinh nghiệm của luật sư mà hợp đồng có thể khác nhau, nhưng thông lệ thị trường thì các hợp đồng [mua bán cổ phần] luôn có những thoả thuận, gọi nôm na là các “thoả thuận tiêu chuẩn”. Có nghĩa nó là những thoả thuận đóng vai trò không thể thiếu trong các deal M&A và gần như được mặc định mà Bắt-Buộc-Phải-Có trong Hợp đồng. Sau đây, xin lần lượt giới thiệu các điều khoản ấy .

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.