Chuyển đến nội dung chính

Những kì vọng vào Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

 

Bài đăng trên SaigonTimes 08/12/2022

Nghị định 96/2022/NĐ-CP ban hành ngày 29/11/2022, trong Cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương đã ghi nhận Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia. Đây là một thông tin thú vị. Tôi tin, cơ quan này sẽ có nhiều việc phải làm trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Khi nguồn lực kinh tế của xã hội được sắp xếp và phân bổ lại thông qua các giao dịch M&A, thì đó cũng là lúc cần phải có người coi ngó, đánh giá liệu quá trình dịch chuyển sở hữu và/hoặc kiểm soát các doanh nghiệp ấy có mang lại lợi ích cho thị trường không hay sẽ góp phần tạo ra những con quái vật mang tên Độc Quyền.

Sự ra đời muộn màng của Uỷ ban cạnh tranh quốc gia, tự thân nó là một chỉ báo thú vị về những tranh cãi trong vai trò của Nhà nước và mối tương quan giữa các cơ quan quản lý trong vai trò quản lý nhà nước đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, năm 2004, Việt Nam ban hành Luật Cạnh tranh, bên cạnh với hàng loạt các đạo luật quan trọng khác (cũng được ban hành hoặc sửa đổi) như Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu Tư, Luật Phá sản, Bộ luật Dân sự... Nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2004 – 2005, đang bước những bước đầu tiên tiến vào kỷ nguyên kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nói ngắn gọn, Việt Nam thời kì ấy chưa có nhiều trải nghiệm về kinh tế thị trường, nhưng vẫn phải ban hành Luật Cạnh tranh và các luật lệ thị trường khác để nhằm đáp ứng cho một nhiệm vụ chính trị quan trọng là gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tôi cho đó cũng là một cách làm thú vị và thông minh.

Trong vòng một thập kỉ sau đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt. Những doanh nghiệp đa quốc gia đến Việt Nam nhiều hơn, những tranh giành trên thị trường giữa các doanh nghiệp dẫn đầu và các doanh nghiệp nhỏ, nhu cầu tập trung sức mạnh, tạo lập những cú đấm thép để cạnh tranh trong thế trận toàn cầu..... Luật Cạnh tranh 2004 đã không còn phù hợp với những nhu cầu về cạnh tranh trong bối cảnh mới ấy.

Luật Cạnh tranh 2018 ra đời nhằm đáp ứng cho những kì vọng lớn lao ấy. Có quá nhiều câu hỏi cần được giải đáp. Nổi lên trong đó là Cơ Quan Nào Sẽ Thực Thi Luật Cạnh Tranh và Địa Vị Pháp Lý Của Cơ Quan Này được xác định như thế nào?

Nếu theo dõi quá trình lập pháp, ta thấy một điểm rất thú vị. Trong Dự thảo lần thứ nhất của Luật Cạnh tranh (2018) thì Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Uỷ ban) là cơ quan được giao vai trò quản lý nhà nước về cạnh tranh, bao gồm Chống hành Cạnh tranh không lành mạnh, Kiểm soát Thoả thuận hạn chế cạnh tranh, Chống độc quyền và Kiểm soát Tập trung kinh tế và nó là một Cơ quan thuộc Chính phủ. Nhưng đến Dự thảo thứ hai trở đi, Uỷ ban được xác định là trực thuộc bộ Công thương.


Cần phải nói thêm rằng, mô hình Uỷ ban được ghi nhận trong Dự thảo thứ nhất là một mô hình, trong đó thẩm quyền của Uỷ ban là cực lớn. Nó là một cơ quan xếp ngang hàng với các Bộ quản lý khác và đồng thời có quyền kiểm soát hoạt động cạnh tranh của tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam (kiểm soát theo chiều ngang), điều mà không có bất kì một Bộ chủ quản nào có thể làm được (vốn chỉ kiểm soát các doanh nghiệp theo chiều dọc, tức là chỉ trong lĩnh vực mà Bộ ấy quản lý).


Có hai điều để lý giải cho việc này:

Một: về mặt kỹ thuật, nếu Uỷ ban được xác định là cơ quan thuộc chính phủ thì có nghĩa phải sửa Luật Tổ chức Chính phủ để ghi nhận Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia. Về mặt trình tự thời gian, việc sửa đổi này phải được tiến hành trước việc sửa đổi Luật Cạnh tranh.

Hai: đã có những cân nhắc về việc quản lý nền kinh tế Việt Nam, về vai trò của các cơ quan chủ quản với các doanh nghiệp nhà nước, vốn chiếm vai trò quan trọng và chi phối trong các ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước đó hiện hữu và mối quan hệ hỗ tương giữa các cơ quan này với Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia sẽ như thế nào.


Kết quả là Luật Cạnh tranh 2018 được ban hành, trong đó ghi nhận toàn bộ thẩm quyền của Uỷ ban, nhưng địa vị pháp lý của nó chỉ là một cơ quan trực thuộc Bộ Công thương. Còn quá sớm để đánh giá việc xác định Uỷ ban cạnh tranh trực thuộc Bộ Công thương thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực thi thẩm quyền quản lý nhà nước về cạnh tranh, nhưng như các trao đổi trong giai đoạn soạn thảo Luật Cạnh tranh 2018 đó là: một thanh gươm sắc bén nhưng được trao cho một đứa bé với cánh tay yếu ớt.

Ở góc độ cá nhân, tôi cho những giằng xé như trên là một tín hiệu tốt. Rõ ràng, không gian lập pháp cùng với ý thức về quản lý nhà nước, cách thức quản lý và mục tiêu quản lý khác nhau với những va chạm về mặt ý chí và quan điểm luôn làm cho ta khôn ra. Trong bối cảnh cạnh tranh không chỉ gay gắt mà quan trọng hơn, quá trình toàn cầu hoá làm cho cạnh tranh không còn trong phạm vi các doanh nghiệp trong lãnh thổ Việt Nam mà trong nhiều trường hợp, nó đã thành cạnh tranh giữa các ngành sản xuất của Việt Nam với các ngành sản xuất của các quốc gia khác.

Tuy vậy, tôi cho rằng quá trình cân nhắc và lựa chọn trong giai đoạn vừa rồi là quá chậm. Bởi Luật Cạnh tranh 2018 ra đời ngày 12/06/2018, có hiệu lực ngày 01/07/2019. Đã hơn ba năm, nhưng Uỷ ban vẫn chưa được thành lập. Một đạo luật với những chế tài (có vẻ) cực kì nghiêm khắc, nhưng về mặt người thực thi đạo luật ấy thì chưa tồn tại. Một khoảng trống mà tôi cho là rất khó lí giải, nếu nhìn từ góc độ logic.

Sau Nghị định 96/2022/NĐ-CP, có lẽ đâu đó cũng cần ít nhất là nữa năm để Chính phủ có thể ban hành nghị định thành lập Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia, dầu muộn màng, tôi vẫn mong Uỷ ban sẽ thực hiện tốt vai trò của mình trong việc điều tiết các nguồn lực kinh tế Việt Nam vốn dĩ đang ở trong giai đoạn phức tạp hơn bao giờ hết.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Quyền Tổng Giám đốc: Anh là ai?

  Sáng nay đọc bài của Luật sư Trương Thanh Đức về việc một doanh nghiệp bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc, trong bối cảnh Tổng Giám đốc của của doanh nghiệp này vẫn chưa từ nhiệm [hoặc có bất kì một cơ sở nào theo Luật Doanh nghiệp về việc tư cách Tổng Giám đốc đương nhiên bị chấm dứt]. Tôi tôn trọng quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, nhưng cách tiếp cận của tôi khác anh .