Thuở còn đi học, tôi có một niềm ham thích đối với guitar. Với tôi, tiếng guitar là một thứ âm thanh đầy quyến rũ. Cứ dặn lòng mình nên học cách chơi guitar. Vậy mà cứ lần lữa mãi. Rồi đến khi bước chân vào đời, miếng cơm manh áo ghì sát đất. Những giấc mộng sinh viên cũng vụt tan theo từng vòng xe vội vã của Sài Gòn.
Cuộc đời của mỗi chúng ta, có những giai đoạn rất rõ ràng. Tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, tuổi trung niên, tuổi lão niên. Tuổi thiếu niên là cái tuổi được bảo bọc trong vòng tay gia đình. Tuổi thanh niên, tạm tính là cái tuổi bước chân vào giảng đường đại học, dù sẽ có nhiều quan niệm khác nhau, về cơ bản nó là cái tuổi đẹp nhất của đời người. Đó là khi ta có sức khoẻ, tâm hồn đang háo hức vì đang dần bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình để hoà vào cái thế giới đầy sắc màu ngoài kia. Chúng ta chưa có nhiều trải nghiệm, kể cả tốt đẹp và đau thương, với cuộc sống. Đó cũng là khi ta bắt đầu khám phá cái thế giới mới mẻ với đôi mắt trong veo, với một tâm hồn mang nhiều mơ mộng và hoài bão.
Ta sẽ yêu với một trái tim nồng nàn, ta sẽ nhìn đời và nhìn người với tất cả những lý tưởng mà ta được hấp thụ từ phim ảnh, từ những dối trá của sách vở. Cơm áo, đói khổ, cực nhọc làm sao ngăn được một đứa 18 đang run lên vì lý tưởng. Những giấc mộng điên rồ nhất và có lẽ cũng ám ảnh nhất đối với mỗi chúng ta, chính là những giấc mộng lớn của ngày ta mới bước chân vào đời. Những doanh nghiệp vĩ đại nhất phần đông đều bắt đầu từ những giấc mộng điên rồ ấy.
Ngày ấy, tôi đã ngưỡng mộ Larry Page và Sergey Brin của Google biết mấy. Trong căn phòng ký túc xá, mà trên mỗi đầu giường ngủ đều khắc tên của Bill Gates, nhà tài trợ lớn của trường, hai anh chàng mơ rằng “tạo ra một công cụ tìm được tất cả mọi thứ trên internet”. Để rồi hai thập kỉ sau, họ tạo nên một đế chế cạnh tranh quyết liệt với Bill Gates.
Suy cho cùng, nền văn minh mà ta đang có, đều bắt nguồn từ những giấc mơ. Thiếu niên và khác nhau ở khả năng tưởng tượng. Ngày còn bé, ta có thể tưởng tượng bất cứ thứ gì trên cuộc đời này. Dần theo thời gian, khả năng tưởng tượng của ta cũng mất đi. Cũng tương tự sự khác nhau của thanh niên và trung niên, đôi khi không đo bằng tuổi tác, mà nó được đo bằng khả năng mơ mộng. Bước chân vào đời, ta mang bao nhiêu là lý tưởng. Để đến khai đời cho những cú tát to, ta mới ngỡ ngàng nhận ra “ta còn xanh và non lắm”. Lý tưởng hay giấc mộng lớn gì gì, cũng đành gác lại.
Mỗi một giai đoạn của đời người sẽ luôn có những nhiệm vụ của nó và trở thành bệ phóng cho giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Giáo dục khai phóng là nền giáo dục phải nâng đỡ cho khả năng tưởng tượng và mơ mộng của tuổi hoa niên, tuổi thanh niên. Một thế hệ trẻ mà không còn biết mơ mộng, tư duy bị đóng khung trong những giáo điều hoặc công thức định sẵn đều sẽ là thảm hoạ của quốc gia. Có hai điều mà ta cần phải nhìn nhận:
Một: tầm nhìn của một con người sẽ được bồi đắp, quyết định bởi nền giáo dục.
Hai: từ giáo dục gia đình và khả năng tự học học, quan sát và chiêm nghiệm của người ấy
Tôi không là chuyên gia giáo dục để có thể bàn về những giải pháp quản lý. Tôi chỉ nhìn từ trải nghiệm cá nhân, tôi khuyến khích sự mơ mộng và tò mò của người trẻ. Tuổi trẻ có hai thứ mà bất cứ người trưởng thành nào cũng không bằng: (i) sức khoẻ và (ii) thời gian. Hãy dùng hai thứ ấy để mài dũa cho giấc mơ tuổi trẻ. Ta còn trẻ quá mà, sá gì chút khó khăn, các bạn nhỏ? Hãy cứ dấn thân. Bởi sau vài năm nữa, bạn sẽ không còn cái gan dấn thân nữa. Giờ bạn có gì đâu để mất, nhưng vài năm nữa bạn sẽ có thứ để mất. Hành trình đi trả lời cho câu hỏi “tôi là ai”, “tôi có thể làm tốt việc gì” và “mục đích sống của tôi bao gồm những gì” tựa như cuộc thám hiểm đến những vùng đất mới. Ta phải tự trang bị cho mình những công cụ để có thể suy ngẫm, kiểm chứng những thứ mà ta tìm được. Để ta tránh những cám dỗ trước những điều lạ lẫm nhưng sai trái, đủ can đảm để trở lại sau mỗi lần va vấp. High risk high return, đời luôn là thế mà! Bạn chỉ có một cuộc đời để sống. Bạn muốn ủ ê trong vòng tay gia đình và nhìn những cuộc thám hiểm trên ti vi hay tham gia vào chặng thám hiểm ấy, mời bạn chọn.
Còn tôi, ngày mai tôi sẽ đăng ký học guitar.
Cái hành trình mà tìm hiểu "Tôi là ai", "Tôi có thể làm tốt được việc gì" cũng ngốn hết bao nhiêu sức lực và tiền bạc của em lắm. Công sức bỏ ra không xót, chứ tiền mà bay theo kiểu vài chục đến vài trăm chai dễ gây trầm cảm luôn. Suy nghĩ tích cực là tuổi trẻ không có gì để mất cũng đúng, nhưng để có đủ can đảm, mạnh mẽ để vực dậy và tiếp tục con đường mình từng thất bại nhiều lần không thì thật sự rất khó mà quyết định được.
Trả lờiXóaHọc đàn guitar khá khó, cần kiên nhẫn và yêu thích thật sự, cũng phải mất ít nhất 6 tháng để các đầu ngón tay hết chai sạn, bầm tím và hết đau thì sẽ đánh được những bài đơn giản. Em chúc Thầy sẽ dành được thời gian để theo đuổi niềm yêu thích đó của mình. Hy vọng được nghe Thầy đàn một lần.