Như đã nhiều lần đề cập, sự phát triển của thị trường Việt Nam và cả sự phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý nói riêng đã du nhập vào Việt Nam nhiều điều khoản có nguồn gốc hoặc mang đậm dấu ấn của common law. Mặt khác Việt Nam với truyền thống dân luật, các qui định của pháp luật hiện hành và cách mà hệ thống toà án nhìn nhận, không phải lúc nào việc thực thi các thoả thuận có nguồn gốc từ common law kia là luôn mang tính khả dĩ. Có thể kể tên vài loại thoả thuận phổ biến như: thoả thuận bồi thường ấn định, thoả thuận bảo mật thông tin, thoả thuận chống cạnh tranh...
Các luật sư khi được hỏi về giá trị pháp lý của những thoả thuận này như thế nào, đôi khi họ cũng sẽ không thể trả lời một cách thoả đáng. Vấn đề không phải là chuyên môn của các luật sư thương mại của Việt Nam không đủ tốt, mà vấn đề nằm ở sự khác biệt về cách nhìn nhận đối với nguyên tắc tự do thoả thuận trong pháp luật Việt Nam so với common law và cả cách mà Toà án áp dụng pháp luật khi xử lý các tranh chấp. Vấn đề thú vị là ngay cả khi tính khả thi về mặt pháp lý chưa được trả lời một cách thoả đáng, các thoả thuận dạng này vẫn rất phổ biến trong các hợp đồng được chắp bút bởi các hãng luật hàng đầu của Việt Nam.
LÝ DO CỦA CÁC THOẢ THUẬN
Trước khi đi vào chi tiết, xin lấy thoả thuận chống cạnh tranh trong lao động để làm ví dụ minh hoạ cho các trình bày. Theo đó thông thường trong các hợp đồng lao động với các Quản lý cấp cao sẽ có qui định chống cạnh tranh. Theo đó, người lao động cam kết trong thời gian [xxx] thì người này sẽ không làm việc cho các doanh nghiệp đối thủ. Một thoả thuận rất phổ biến và cũng gây nhiều tranh cãi.
Bất kể các nhà làm luật Việt Nam nói gì đi nữa, bản chất của vấn đề là các doanh nghiệp cần có thoả thuận này. Bởi một Quản lý cấp cao, theo đó người này sẽ tiếp cận rất nhiều thông tin của doanh nghiệp, mà khi doanh nghiệp cùng ngành (đối thủ) biết được thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều bất lợi. Đặc biệt là khi Quản lý cấp cao này ở trong những bộ phận đóng vai trò trọng yếu đối với sự phát triển của doanh nghiệp như R&D chẳng hạn. Nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, rõ ràng họ có lý do để thoả thuận điều khoản chống cạnh tranh.
Các vấn đề pháp lý sẽ đặt ra khi xác định hiệu lực của thoả thuận này có thể kể đến là:
1. Thoả thuận này sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật lao động hay Bộ luật dân sự? Cũng cần nói thêm, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu thoả thuận chống cạnh tranh này được các bên thoả thuận riêng thay vì thoả thuận trong Hợp đồng lao động.
2. Thoả thuận này có giá trị pháp lý hay không?
3. Nếu trong thoả thuận có qui định vấn đề bồi thường thì sẽ chứng minh thiệt hại như thế nào?
KHÍA CẠNH PHÁP LÝ VÀ KINH TẾ CỦA THOẢ THUẬN
Đi vào chi tiết, sẽ có rất nhiều tranh luận thú vị, nhưng tựu trung lại tôi tin ba câu hỏi này đủ để các hãng luật sẽ trăn trở ít nhiều.
Ngay cả khi như vậy thì thoả thuận này vẫn được các bên sử dụng một cách phổ biến. Có hai lý do cho sự phổ biến ấy:
Một là: Khi chúng ta thừa nhận là giá trị pháp lý của thoả thuận là không rõ ràng, thì khía cạnh tích cực là bạn dựa vào đâu để nói rằng thoả thuận này là không có giá trị pháp lý? Nó vi phạm điều cấm nào hoặc chỗ nào trong luật nói rằng các bên không được thoả thuận. Và cho đến khi có một Bản án hay Phán quyết của trọng tài tuyên rằng thoả thuận này không có giá trị pháp lý thì nó vẫn là “luật” điều chỉnh quan hệ của các bên.
Hai là: Khi một người lao động đã được tuyển dụng vào vị trí quản lý cấp cao, người này sẽ có một vị trí hoặc danh tiếng nhất định trong thị trường lao động. Đó mới chính là điều đáng nói. Liệu sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng một nhân sự sẵn sàng bội tín những điều mà họ đã thoả thuận, đặc biệt khi đó lại là những thoả thuận rất phổ biến trên thị trường và gần như được coi là thoả thuận công bằng trên thị trường. Đây mới chính là thứ đáng sợ, nó đáng sợ hơn rất nhiều so với các bản án của Toà. Bạn là một nhân sự giỏi, sẽ không ngạc nhiên khi đội headhunter luôn liên hệ các bạn thì ở khía cạnh ngược lại, khi bạn bội ước nó cũng sẽ lan toả rất nhanh. Tiếp cận ở khía cạnh đó, ta thấy luật nó chỉ đóng một vai trò rất khiêm tốn trong một business, bởi ngoài luật do nhà nước ban hành, hoạt động kinh doanh là hàng loạt các qui tắc và qui ước mà quan trọng nhất trong đó phải kể đến là chữ tín. Khi thoả thuận chống cạnh tranh không được thực thi, khả năng là doanh nghiệp sẽ thông báo đến các doanh nghiệp trong ngành về case này, rằng “ông X đã phản bội thoả thuận bảo mật và chống cạnh tranh. Quý vị nên lưu ý để đảm bảo các tài sản trí tuệ của mình...”.
Nhìn từ tất cả các khía cạnh ấy, có lẽ giờ bạn đã có câu trả lời cho riêng mình về giá trị pháp lý và cách mà các thoả thuận vận hành trên thực tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét