Chuyển đến nội dung chính

Luật Doanh nghiệp thực chiến: Uỷ quyền cho Hội đồng quản trị

 

Đại hội đồng cổ đông thường niên của một ngân hàng có một qui định rất đáng lưu tâm. Theo đó ĐHĐCĐ của công ty đã uỷ quyền cho HĐQT hai quyền rất quan trọng: (i) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; và (ii) Phê duyệt các giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ.

Vấn đề pháp lý cần lưu tâm trong trường hợp này là Nghị quyết kia có giá trị pháp lý hay không?


Vài năm trở lại đây, khi tư vấn về quản trị, tôi bắt gặp khá nhiều những nghị quyết uỷ quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT như thế này. Vấn đề pháp lý đặt ra là hành vi trao quyền này của ĐHĐCĐ cho HĐQT có giá trị pháp lý hay không?

Trước hết cần phải thấy rằng, hai vấn đề được uỷ quyền là (i) Sửa đổi điều lệ và (ii) Phê duyệt các giao dịch với người có liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ đều là những quyền quan trọng của ĐHĐCĐ. Xét về mặt lý thuyết, Luật Doanh nghiệp không có qui định nào cấm ĐHĐCĐ trao quyền của mình cho các cơ quan khác trong Công ty. Và, nếu nhìn từ góc độ đó, thì có cơ sở để cho rằng việc uỷ quyền đang được đề cập trong tình huống này là không vi phạm pháp luật và có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, đi vào chi tiết, việc uỷ quyền này nó tạo ra những hệ luỵ đáng quan tâm hơn rất nhiều so với việc chỉ xem xét một cách hời hợt là luật có cấm hay không.


Lấy việc sửa đổi điều lệ công ty làm ví dụ. Trong tình huống này, HĐQT có quyền sửa đổi điều lệ của công ty. Xét về mặt lý thuyết, HĐQT có quyền sửa, bổ sung bất cứ nội dung nào. Cần lưu ý thêm, trong công ty, có thể có nhiều nhóm cổ đông. Và việc sửa đổi điều lệ, có thể dẫn đến:

- làm thay đổi quyền lợi của một nhóm cổ đông;

- làm thay đổi quyền của cổ đông ưu đãi; hoặc

- những thay đổi có ảnh hưởng đáng kể khác.

Về mặt thủ tục, Điều lệ này sẽ được thông qua nếu được đa số thành viên HĐQT dự họp tán thành (Điều 157.12). Rắc rối cũng từ đây mà ra:

Theo qui định tại Điều 132.1 thì “cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình”.

Và theo qui định tại Điều 148.6 thì “Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản”.


Hệ quả của việc uỷ quyền đó là nó đã tước đi cơ hội của cổ đông trong việc thực hiện các quyền của mình tại ĐHĐCĐ và đồng thời qua đó vô hiệu hoá hai quyền quan trọng của cổ đông [phổ thông] và cổ đông ưu đãi lần lượt được qui định tại Điều 132.1 và Điều 148.6. Nếu nghị quyết ghi nhận việc uỷ quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT được thông qua với tỷ lệ tán thành là 100% thì việc bào chữa rằng quyền lợi của đông không bị xâm phạm (vì họ đã đồng ý thông qua nghị quyết), nhưng:

- nếu tỷ lệ không đạt 100% thì sẽ rất khó để lý giải cho vấn đề này.

- đồng thời, cũng lưu ý thêm rằng, một cách phổ biến, các cổ đông ưu đãi như ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại…là không được tham dự và biểu quyết trong ĐHĐCĐ, nên hầu như không thể có chuyện họ đã tán thành với nghị quyết được.


Tình trạng uỷ quyền này thường sẽ xảy ra ở những công ty bị chi phối bởi một hoặc một số cổ đông lớn. Khi mà sức ảnh hưởng của các cổ đông này càng cao, thì vai trò của ĐHĐCĐ càng mang tính hình thức. Ý nghĩa thực sự của uỷ quyền này chính là hợp thức hoá vai trò quản trị của cổ đông lớn (bởi suy cho cùng thì với nền dân chủ cổ phiếu đang diễn ra ở Việt Nam, thì HĐQT đa phần là hội đồng của những người thừa hành và vì lợi ích của cổ đông lớn). Về mặt thực tiễn xét xử, Toà án chưa xử lý tranh chấp loại này. Nên về mặt giải quyết tranh chấp là chưa thể xác định giá trị pháp lý của việc uỷ quyền. Với một thái độ dè dặt, tôi cho rằng Uỷ quyền đang được đề cập này không có giá trị pháp lý. Bởi mục đích và nội dung của Uỷ quyền này nó đã nhằm và/hoặc tạo ra hệ quả là tướt đoạt các quyền của cổ đông khác như đã phân tích ở trên.


Nhìn từ khía cạnh tư vấn, có hai điều có thể rút ra từ Nghị quyết của ĐHĐCĐ là:

1. Đây là một nghị quyết của một ngân hàng thuộc hàng top của Việt Nam. Vấn đề là tại sao đội pháp lý và tư vấn lại có thể có một lựa chọn đầy rủi ro như vậy. Quan điểm của Toà án và/hoặc Trọng tài cho dù là theo hướng thừa nhận giá trị của Uỷ quyền hay không, thì nó đều là những lựa chọn khó khăn xuất phát từ qui định chưa rõ ràng của Luật Doanh nghiệp & Bộ luật Dân sự. Điều đó có thể làm cho doanh nghiệp này đối diện với rủi ro về mặt pháp lý và quản trị.

2. Nhìn từ khía cạnh hiệu quả quản trị, tôi không đánh giá cao sự minh bạch và hiệu quả quản trị của doanh nghiệp này. Bởi, một doanh nghiệp mà vai trò của cổ đông lớn là quá cao dẫn đến việc tướt bỏ các quyền của cổ đông khác, tạo ra nguy cơ kém minh bạch trong các giao dịch liên kết với các bên có liên quan mà cổ đông khác (đồng chủ sở hữu của công ty) mà cổ đông không có quyền được quyết định, cho dù là đặt dưới bất kì chuẩn mực về quản trị nào, đều không đáng để tôn vinh.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Quyền Tổng Giám đốc: Anh là ai?

  Sáng nay đọc bài của Luật sư Trương Thanh Đức về việc một doanh nghiệp bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc, trong bối cảnh Tổng Giám đốc của của doanh nghiệp này vẫn chưa từ nhiệm [hoặc có bất kì một cơ sở nào theo Luật Doanh nghiệp về việc tư cách Tổng Giám đốc đương nhiên bị chấm dứt]. Tôi tôn trọng quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, nhưng cách tiếp cận của tôi khác anh .