Ngồi đọc phương án phân chia lợi nhuận và tăng vốn của một Ngân hàng,
phát sinh nhiều vấn đề thú vị về quản trị. Để thuận tiện cho việc trình bày,
trong bài viết này thuật ngữ “ngân hàng” và “công ty” được sử dụng với cùng một
nghĩa và/hoặc có thể thay thế cho nhau.
BỐI CẢNH
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (“ĐHĐCĐ”) quyết định:
- Trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với mức 25% (có nghĩa là cổ đông
sở hữu 100 cổ phần, sẽ được trả cổ tức bằng 25 cổ phiếu).
- Uỷ quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện các quyền (i) Sửa đổi, bổ
sung Điều lệ công ty; và (ii) Phê duyệt các giao dịch với người có liên quan thuộc
thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ.
BÌNH LUẬN
Trả cổ tức bằng cổ phiếu
Về nguyên tắc, sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà
nước, bên thứ ba và đã trích lập các quỹ theo qui định, Công ty có quyền chia lợi
nhuận cho các cổ đông. Vấn đề là công ty có thể lựa chọn chia bằng tiền mặt, bằng
cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty (Điều
135.3).
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc lựa chọn phương án trả cổ tức
bằng cổ phiếu là một lựa chọn thú vị. Theo đó công ty có thể dùng phần lợi nhuận
của năm tài chính 2020 để tăng cường vốn cho các hoạt động của công ty mà không
phải tốn chi phí sử dụng vốn thông qua việc phải đi vay, phát hành trái phiếu
hoặc các hoạt động huy động vốn khác.
Tuy vậy, nếu nhìn công ty với tư cách là một công ty đại chúng, việc
phát hành thêm cổ phần mới (để trả cổ tức) sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên
thị trường theo chiều hướng xấu đi. Trong nghị quyết quyết định phương án thanh
toán cổ tức, công ty đã ghi một câu thú vị “ĐHĐCĐ uỷ quyền cho HĐQT quyết định
thời điểm thích hợp để thực hiện việc chi trả cổ tức”. Thoáng nhìn thì thấy đây
là một câu rất bình thường, nhưng nhìn từ góc độ thị trường thì nó lại hàm chứa
một chiến thuật thú vị.
Liên quan đến việc chi trả cổ tức, Luật Doanh nghiệp 2020 (“LDN”) xác
định có ba (03) bước:
Bước 1: HĐQT kiến nghị mức cổ tức được trả (Điều 153.2.o);
Bước 2: ĐHĐCĐ phê duyệt kiến nghị của HĐQT (Điều 139.3.e); và
Bước 3: HĐQT quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức (Điều
153.2.o).
Nhìn từ qui trình trên, xét về mặt lý thuyết là ĐHĐCĐ quyết định
chuyện cổ tức, nhưng trả như thế nào và vào lúc nào thì HĐQT mới là người quyết
định. Nói một cách vui vẻ, HĐQT giống như cơ quan “thi hành án” vậy.
Quay trở lại tình huống, về mặt logic, giá cổ phiếu của công ty sẽ
bị giảm khi nó bị pha loãng vì đợt phát hành mới. Nhưng HĐQT của công ty không
chia cổ tức liền ngay sau khi họp ĐHĐCD thường niên (cuối tháng 4 năm 2021), vì
LDN cho họ thời hạn sáu (06) tháng để làm chuyện này (Điều 135.4). Điều này có
tác dụng khiến cho các cổ đông hiện hữu của công ty, đặc biệt là các cổ đông sở
hữu số lượng cổ phần đáng kể không dám chuyển nhượng cổ phần của mình (HĐQT lập
danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ
phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức –
Điều 135.4). Thủ thuật này mang tính kéo giãn thời gian pha loãng cổ phiếu và
tránh khả năng cổ phiếu bị bán tháo trên thị trường. Ngoài ra, nếu công ty có
thể tạo nên những kì vọng về sự phát triển thông qua các chiến lược truyền thông
tốt, giá cổ phiếu sẽ tránh được nguy cơ lao dốc.
Thông tin thêm: Tính đến thời điểm bài viết này được hoàn thành
(ngày 16.7.2021), giá cổ phiếu của công ty cao hơn so với thời điểm ĐHĐCĐ thường
niên.
Nói cách khác, công ty này đã vận dụng Luật Doanh nghiệp một cách
tuyệt khéo trong việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. So với cách chia cổ tức của một
công ty bất động sản đình đám của SG, dẫn đến thất bại thảm hại của đợt IPO một
công ty trong group vừa xảy ra trong tuần này, thì nó cao tay hơn gấp 40 lần.
Uỷ quyền cho Hội đồng quản trị
ĐHĐCĐ của công ty đã uỷ quyền cho HĐQT hai quyền rất quan trọng: (i)
Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; và (ii) Phê duyệt các giao dịch với người có
liên quan thuộc thẩm quyền phê duyệt của ĐHĐCĐ.
Vài năm trở lại đây, khi tư vấn về quản trị, tôi bắt gặp khá nhiều
những nghị quyết uỷ quyền cho HĐQT như thế này. Có ba (03) vấn đề cần đánh giá:
Một là: giá trị pháp lý của uỷ quyền;
Hai là: hệ quả pháp lý của uỷ quyền sẽ là gì; và
Ba là: những hệ luỵ về quản trị của Việt Nam khi việc uỷ quyền này
không còn là hiện tượng cá biệt tại một vài công ty.
[Xin xem tiếp phần 2]
Nhận xét
Đăng nhận xét