Chuyển đến nội dung chính

Ngân hàng bán bảo hiểm có vi phạm Luật Cạnh tranh?

Bài đăng trên Saigon Times ngày 27.5.2021

Bối cảnh

Dạo này, hoạt động bán bảo hiểm của Ngân hàng là phổ biến. Báo cáo tài chính được các bank công bố, trong khoản lợi nhuận ngàn tỉ của năm tài chính 2020, đóng góp từ bán bảo hiểm chiếm tỉ trọng không nhỏ.

Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu vay, ngân hàng sẽ khuyến khích và/hoặc ép buộc khách hàng tham gia một hợp đồng bảo hiểm. Đổi lại, các công ty bảo hiểm sẽ thanh toán cho ngân hàng một khoản phí bán hàng theo các tỉ lệ đã được ấn định trước giữa hai bên. Xuhướng này chưa có dấu hiệu dừng lại trong năm 2021. Câu hỏi đặt ra là liệu việc liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm như hiện nay có phù hợp với pháp luật và có bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng?

 

Lợi ích kinh tế

Nhìn vào báo cáo tài chính 2020 của các ngân hàng, lợi ích của bancassurancelà không bàn cãi. Với việc bán bảo hiểm trước khi kí kết và/hoặc giải ngân, đã mang lại cho các ngân hàng khoản hoa hồng từ việc bán hàng. 

Ở khía cạnh của các doanh nghiệp bảo hiểm, nó giúp các doanh nghiệp này tăng các hợp đồng. Xét từ khía cạnh quản trị chi phí, thay vì tổ chức các hội thảo, chi hoa hồng cho nhân viên bán bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ việc chia một phần khoản chi phí ấy cho các ngân hàng thông qua việc thiết lập khoản hoa hồng mà ngân hàng sẽ được hưởng khi bán hàng. 

Tuy vậy, ở góc độ của khách hàng (những người đi vay ngân hàng), thì câu chuyện sẽ hơi khác một chút. Về mặt lý thuyết, có hai khả năng xảy ra:

nếu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm, việc ngân hàng giới thiệu các gói bảo hiểm tôi cho đó là một hoạt động kinh doanh thuần tuý. Và ở một mức độ nào đó là mang lại lợi ích cho khách hàng.

Nếu khách hàng hoàn toàn không có nhu cầu và/hoặc họ đã mua bảo hiểm ở một đơn vị khác, việc ngân hàng dùng việc mua bảo hiểm trở thành điều kiện bắt buộc để khoản vay được thông qua hoặc khoản vay được giải ngân, thì bản chất của nó hoàn toàn khác. Khách hàng trong trường hợp này không có sự lựa chọn, đặc biệt là khi gần như toàn bộ hệ thống ngân hàng đều áp dụng chính sách này, nó tạo ra hệ luỵ đó là khách hàng phải chi trả nhiều hơn. Nói cách khác, chi phí tiếp cận nguồn tín dụng thay vì giảm đi thì nó lại tăng lên vì khoản tiền phải thanh toán cho hợp đồng bảo hiểm mà xét về bản chất là khách hàng hoàn toàn không có nhu cầu.

 

Vai trò của pháp luật cạnh tranh

Quan hệ hợp tác giữa ngân hàng và bảo hiểm như hiện nay đối diện với những rủi ro từ Luật Cạnh tranh, nếu việc khách hàng phải mua bảo hiểm là không tự nguyện. Cụ thể, điểm đ khoản 1 điều 27 Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường “yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác”. 

Để áp dụng qui định này có 3 điều cần phải chứng mính:

- Một là: chủ thể thực hiện hành vi phải có vị trí thống lĩnh. Tôi cho khía cạnh này là không khó. Cơ quan quản lý chỉ cần xử lý ngân hàng (đơn lẻ) nào đó có thị phần từ 30% trở lên hoặc hay hơn là xác định một nhóm ngân hàng (ngân hàng trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan).

- Hai là: [các] ngân hàng phải có hành vi “yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồngĐối với yếu tố này, câu hỏi được đặt ra là “việc mua bảo hiểm thì liên quan gì đến cấp tín dụng? Nếu không mua bảo hiểm thì nó có làm thay đổi bản chất của hợp đồng tín dụng hay không? Xét về mặt logic, tôi cho rằng hành vi buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay hoặc được giải ngân là một hành vi mang tính bất chính và bóc lột khách hàng. 

- Ba là: hành vi “bán bia kèm lạc” ở trên phải “dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác”. Hậu quả này, xét về mặt thực thi sẽ rất khó để chứng minh. Bởi khách hàng là cá nhân gần như không được đề cập trong qui định này. Đối với khách hàng là doanh nghiệp, cơ quan quản lý cạnh tranh phải chứng minh là thông qua việc phải mua bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ phải chịu một chi phí quá cao trong việc sử dụng vốn. Và điều này sẽ dẫn đến khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc thậmchí là bị loại khỏi thị trường. 

 

Một vài kết luận

Giám sát sự minh bạch của thị trường, bảo đảm tính cạnh tranh của nền kinh tế luôn là một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước. Trong bối cảnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, bên cạnh sự khó khăn, nó cũng tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí tiếp cận vốn cao sẽ là một trở lực đối với doanh nghiệp.

Điều khó hiểu thứ hai là Luật Cạnh tranh 2018 (“LCT”) mặc dù đã có hiệu lực gần 2 năm, nhưng Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia, cơ quan giám sát về cạnh tranh vẫn chưa được thành lập, khiến cho những qui định của LCT dường như vẫn nằm im trên giấy.

Qui định hậu quả của “hành vi bán bia kèm lạc” khi yêu cầu hậu quả phải là dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác. Xét về mặt câu chữ, qui định này gần như đã loại các khách hàng cá nhân. Và điều đó có nghĩa về mặt thực tế, có thể có tình trạng khách hàng cá nhân bị ép phải mua, thì LCT cũng không thể với tay với tay đến bancassurance

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...