Chuyển đến nội dung chính

Định danh cho tài xế Grab: một vài yếu tố cần cân nhắc

Bài đăng trên Thời báo kinh tế Sài gòn ngày 01.4.2021

Truyền thông Việt Nam tuần rồi đưa tin Uber tại Anh quốc đã phải chấp nhận tư cách nhân viên và trả lương, bảo hiểm cho tài xế thay vì lao động tự do và theo đó Tổng liên đoàn Lao động VN cho hay ủng hộ quan điểm này. Chưa có thống kê chính thức, nhưng bằng quan sát thực nghiệm, số lượng các cá nhân tham gia vào các mô hình trung gian kết nối đang rất đông đảo. Có lẽ đã đến lúc phải định mối quan hệ của các tài xế Grab. Bởi chỉ khi định danh mối quan hệ, Việt Nam mới bảo vệ các tài xế quyền lợi các tài xế, vốn đang rất đông đảo hiện nay, và tái định hình cạnh tranh trên thị trường. 

Tuy vậy, để tránh các ngộ nhận, trong khuôn khổ bài viết để thuận tiện cho việc diễn đạt, thuật ngữ Grab được sử dụng chung cho các mô hình vận hành trên nền tảng kết nối các tài xế xe máy và ôtô chuyên chở hành khách và hàng hoá mà không nhằm mục đích CHỈ ĐỀ CẬP DUY NHẤT đến Công ty TNHH Grab.

 

BỐI CẢNH

Nhìn từ góc độ kết nối các tài xế để cung cấp dịch vụ ra thị trường của Grab, có thể chia ra làm hai nhóm chính: (i) các tài xế chuyên chở hành khách; (ii) các tài xế chuyển chở hàng và/hoặc đồ ăn – thức uống (logistics). 

Nhìn vào cơ cấu này, điều đáng bàn là trong suốt thời gian qua, phần lớn sự chú ý của truyền thông và cả các nhà hoạch định chính sách và/hoặc quản lý chỉ tập trung vào một phần của nhóm chuyên chở hành khách là nhóm các tài xế ôtô. Trong khi đó bộ phận tài xế chuyên chở bằng xe máy và bộ phận tài xế xe máy logistics, có vẻ chiếm tỉ trọng cao hơn, lại đang bị lãng quên theo một cách nào đó. Sự quên lãng này sẽ là nguy hiểm cho việc đánh giá các tác động về kinh tế - xã hội, là những yếu tố cốt lõi của việc hoạch định chính sách và/hoặc ban hành pháp luật và bỏ các quan hệ vận hành theo những trật tự khó dự đoán, mà các cuộc biểu tình của tài xế các hãng xe như Grab trong thời gian vừa quan là một ví dụ.

 

NHỮNG TÁC ĐỘNG

Tôi đánh giá cao vai trò của những doanh nghiệp tiên phong như Grab đã kiến tạo ra các mô hình kinh doanh mới và là nhân tố thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường. Chính quá trình kiến tạo ấy, nó đã xô đổ những mô hình và/hoặc cách thức kinh doanh lạc hậu, góp phần tái định hình về cạnh tranh tranh và lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Thị trường taxi: Mô hình taxi tại Việt Nam hiện nay đã thay đổi hoàn toàn so với một thập kỉ trước. Nhìn từ khả năng đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng xe ôtô của khách hàng, bất kể nhà nước định danh thế nào, Vinasun hay Grab là như nhau bởi cả hai đều cung cấp những chuyến xe ôtô và tính phí. Trong khi các hãng taxi truyền thống đầu tư mạnh vào tài sản cố định là xe ôtô và tài xế, thì Grab đầu tư về hệ thống (platform) và làm thị trường. Nói một cách dễ dãi, Grab là hãng taxi lớn nhất Việt Nam nhưng không sở hữu chiếc xe nào. Cách tiếp cận khác nhau này dẫn đến chi phí sản xuất là khác nhau. Theo đó, có vẻ Grab đang hưởng lợi từ việc không chi trả cho việc sở hữu ôtô và thanh toán các phúc lợi (thuộc về bảo hiểm xã hội) cho tài xế. Sức ép cạnh tranh đã buộc các hãng taxi truyền thống phải thay đổi. Nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận, các hãng đã đẩy mạnh mảng kinh doanh xe thương quyền. Theo đó, hãng taxi sẽ cho các cá nhân ĐANG SỞ HỮU ÔTÔ được sơn những chiếc xe của mình màu sơn của hãng và dùng danh nghĩa của hãng để cung cấp dịch vụ đến khách hàng. Như vậy, sự yếu kém về mặt công nghệ (platform) được các hãng taxi truyền thống bù đắp bằng chính danh nghĩa của mình. Xét về bản chất, việc tài xế sở hữu xe thương quyền của taxi truyền thống và tài xế ôtô của Grab là không khác nhau. Bởi cả hai phương thức này đều cùng chia sẻ các đặc tính: các hãng không sở hữu xe, không trả bảo hiểm xã hội cho người chạy xe và đều có quyền kiểm soát và/hoặc điều phối hoạt động vận chuyển này thông  qua app hoặc tổng đài.

 

Thị trường xe ôm: Đây là khu vực nhạt nhoà nhất trong bức tranh được vẽ nên bởi Grab và các mô hình trung gian kết nối. Đã có rất nhiều phiên toà, nhiều tranh luận và rất nhiều các qui định, thí điểm từ nhà nước, mà trực tiếp nhất là Bộ Giao thông vận tải dành cho tài xế ôtô nhưng lại rất vắng vẻ khi nhắc đến xe ôm. Sự hùng mạnh của các hãng taxi đã giúp họ có đủ nguồn lực để tiếng nói của họ được vang vọng, nhưng xe ôm không có bất kì một cơ quan đại diện nào. Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ đó. Và đây cũng chính là khu vực mà Grab thoải mái nhất khi họ chỉ phải đàm phán với những “đối tác” tuy đông đảo nhưng phân mảnh và sức mạnh đàm phán kém.

 

Thị trường logistics: Là một thị trường phái sinh từ thị trường xe ôm hoặc có liên kết chặt chẽ với xe ôm. Sự khác biệt [nếu có] với xe ôm là thay vì xe ôm chở người thì logistics chở hàng hoá và giao đồ ăn – thức uống. Điểm cần nói là trong khi Grab xe ôm góp phần đưa khái niệm xe ôm truyền thống trở thành hồi ức thì trong thị trường logistics, họ đã góp phần kiến tạo và thúc đẩy thị trường giao hàng, trở thành một nhân tố quan trọng trong bước chuyển đổi kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử và ngành kinh doanh F&B.

 

NHỮNG CÂN NHẮC VỀ CHÍNH SÁCH

Có năm (05) điểm mà tôi cho là quan trọng khi định danh tài xế Grab là đối tác hay là người lao động.

Một là: cho đến thời điểm này, nếu cộng gộp toàn bộ các doanh nghiệp cùng kinh doanh dựa trên nền tảng kết nối những lao động tự do chạy xe ôtô, xe máy cho mục đích vận chuyển hành khách và hàng hoá, sẽ có một con số đông đảo ấn tượng. Trong khi đó nhìn từ cách tổ chức lao động cho hoạt động kinh doanh hiện nay, việc phân chia lợi ích cho các tài xế dựa trên những cuốc xe, đang ấn định nghĩa vụ của các doanh nghiệp ở mức tối thiểu và quyền lợi của tài xế là bấp bênh. Cho dù theo đuổi mục tiêu nào và định danh ra sao, việc không bảo đảm quyền lợi mang tính tối thiểu về an sinh xã hội của một bộ phận đông đảo như vậy là khó chấp nhận. 

 

Hai là: Như trên đã đề cập, mô hình kinh doanh của Grab đang mở rộng không chỉ ở taxi mà đã lan rộng ra những lĩnh vực lân cận và có tác động đến thương mại điện tử và những ngành đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, mà trực tiếp là F&B. Do đó, đánh giá tác động phải đặt trong bối cảnh đa ngành và phải trả lời được cho câu hỏi mục tiêu của chính sách là gì? Dù có thể còn nhiều tranh cãi, nhưng những nền kinh tế đang dịch chuyển trọng tâm vào kinh tế số như Việt Nam cần những doanh nghiệp như Grab. Tại sao phải đầu tư vào Việt Nam nếu môi trường pháp lý là quá rủi ro, hà khắc và khó dự đoán? Nói cách khác, chúng ta sẽ xác lập được sự ưu tiên cho doanh nghiệo công nghệ hay không và đến mức nào? Mặc dù về mặt lý tưởng, sẽ không ai bị bỏ lại ở phía sau, nhưng trên thực tế, mọi vấn đề không thể giải quyết được cùng một thời điểm. Vì vậy phải có trật tự ưu tiên trong quá trình hoạch định và lý do cho sự ưu tiên ấy.

 

Ba là: Thị trường taxi dưới áp lực cạnh tranh đã phổ biến mô hình xe thương quyền. Cùng với việc các hãng taxi truyền thống đẩy mạnh ứng dụng của mình, hoạt động kinh doanh của họ đã dịch chuyển đến cùng bản chất với Grab. Vậy có nên coi các hãng taxi cũng là hãng công nghệ trung gian kết nối. Và trong lĩnh vực này, pháp luật phải đối xử bình đẳng với Grab nhằm bảo đảm công bằng trong cạnh tranh?

 

Bốn là: Một tác động thầm lặng của mô hình Grab nhưng ít được nhìn nhận trong thời gian qua là ảnh hưởng bất lợi của nó đến thị trường lao động của các công ty sản xuất. Thị trường lao động là cạnh tranh. Tại sao người lao động phải bó mình trong khuôn viên của nhà máy đều đặn 8h/ngày trong khi phúc lợi ngang bằng với các tài xế Grab đang được hưởng sự tự do và linh hoạt về giờ giấc làm việc? Nhà làm luật bắt buộc phải giải bài toán về định hướng phân bổ nguồn lực lao động. Sẽ rất khó để quan sát trong đại dịch, nhưng trước thời điểm covid bùng bổ, lao động cho các doanh nghiệp sản xuất bị thiếu hụt trầm trọng vì dòng người dịch chuyển sang làm lao động tự do cho Grab. Cho nên cân bằng giữa nhu cầu vệ người lao động (như ý một đã đề xuất) và bảo đảm lực lượng là động cho khu vực sản xuất là một nghệ thuật đòi hỏi sự nghiêm túc đối về mặt kỹ trị.


Năm là: Đã qua rất lâu cái thời mà Grab là một công ty khởi nghiệp. Với nguồn lực tài chính, sự ưu việt về công nghệ và thị trường mà họ tạo lập được, họ đã là một doanh nghiệp thống lĩnh trên nhiều thị trường. Và đó cũng là lúc cân nhắc dùng đến Luật Cạnh tranh nhằm cương toả những toan tính lạm dụng sức mạnh thị trường để phục vụ cho các mục tiêu chính sách vậy. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...