Chuyển đến nội dung chính

[Review] - Luật Hợp đồng

Lâu rồi mới lại có cảm hứng để review sách. Trong một rừng sách na ná nhau, tìm một cuốn đủ thú vị để có thể đọc trong lúc nhâm nhi một ly cafe quả là khó. PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG của Luật sư Trương Nhật Quang là một cuốn xứng đáng để đọc.

Đánh giá đầu tiên đây là cuốn có độ phủ rộng khi đề cập gần như mọi khía cạnh của lĩnh vực pháp luật hợp đồng. Có lẽ vì thế, tác giả, theo phong cách rất nhã nhặn thường thấy của mình, đã tự đặt thêm phần mô tả là “Các Vấn Đề Pháp Lý Cơ Bản”. Nhưng đây là một cuốn chuyên sâu và đầy thực tiễn. Chính vì lẽ đó, tôi cho có ba đối tượng sau đây nên cân nhắc:

Một: Các luật sư trẻ theo nghề luật sư thương mại nên coi đây là một cuốn must-have trong hành trang hành nghề. Đọc cuốn này, coi như bạn đã trải qua một khoá huấn luyện về Hợp đồng bài bản bởi một hãng luật thượng thặng.

Hai: Các giảng viên luật hợp đồng nên sở hữu cuốn này. Bởi sách không chỉ nói về lý thuyết hợp đồng như các giáo trình về Luật hợp đồng truyền thống được xuất bản ở Việt Nam mà quan trọng hơn, nó còn trình bày những ý niệm trong luật hợp đồng của common law. Chỉ khi nhận thức được rằng Việt Nam theo trường phái luật thành văn, thì việc du nhập các điều khoản trong common law trên thực tế thị trường, làm thế nào dung hoà nó vào các giao dịch, thì bạn mới thấy hết cái thú vị của phần này. Nó giúp các thầy, cô trang bị thêm tính thực tiễn, cách các luật sư thương mại đang áp dụng luật hợp đồng trên thực tế như thế nào. Giá trị cuốn này cho việc giảng dạy hợp đồng cho các trường luật của Việt Nam là ở chỗ đó.

Ba: Sinh viên luật KHÔNG nên đọc cuốn này ngay. Nếu mới tìm hiểu về hợp đồng. Đừng để cái tiêu đề của cuốn sách làm bạn ngộ nhận. Đây là một cuốn ở mức độ nâng cao và mang nhiều yếu tố thực tiễn. Hãy bắt đầu bằng việc đọc giáo trình luật hợp đồng, sau đó đọc đến cuốn này. Lúc đó bạn mới thấy hết cái thú vị mà cuốn sách mang lại.

 

Đây là một cuốn có bố cục và cách trình bày rất khoa học. Có hai điểm rất hay, mà có lẽ tôi sẽ học hỏi khi trình bày những cuốn sách của mình, đó là:

Sách viết theo dạng đánh số các đoạn (paragraph) kết hợp với bảng tra cứu (index). Chính vì điều này, các bạn luật sư trẻ có thể tra cứu bất kì điểm nào trong quá trình hành nghề của mình một cách rất dễ dàng. 

Sau mỗi chương, đều có phần tóm tắt chương. Nó giúp cho những bạn lười hoặc ít thời gian đọc, có thể nắm ý chính một cách nhanh chóng.

 

Có hai chương mà cá nhân tôi đặc biệt yêu thích, xin chia sẻ cùng bạn:

Chương 3: Nguồn Và Nguyên Tắc Xung Đột Pháp Luật. Mười năm trước, khi hành nghề tư vấn, tôi đã rất vất vả vì việc xác định luật áp dụng cho giao dịch. Trên thực tế, bất kì ai theo nghề luật sư nói riêng và nghề luật nói chung, bắt buộc phải nắm thật vững luật áp dụng. Hãy nhớ xem, khi học địa học, bạn có đọc Điều 1, Điều 2 và Điều cuối cùng của một cuốn luật không? Có một vụ khá mỉa mai, số là trong vụ tranh chấp của Trung Nguyên, khi toà xác định vấn đề quản lý con dấu, lại lấy một nghị định về Quản Lý Con Dấu của cơ quan nhà nước để làm cơ sở ra quyết định. Kết quả bản án này thế nào bạn có thể đoán được. Quay trở lại cuốn Pháp Luật Hợp Đồng, luật sư Trương Nhật Quang là một luật sư lão luyện, nên việc ông chọn chủ đề này để nhấn mạnh trong cuốn sách của mình, tôi cho đó là một lựa chọn rất thực tế và thú vị. 

Chương 7: Thoả Thuận Và Giải Thích Các Điều Khoản Của Hợp Đồng. Đây là chương đề cập đến những thứ có vẻ xa lạ: Điều Kiện Tiên Quyết, Cam Đoan, Bảo Đảm, Cam Kết. Trên thực tế, đây là những điều khoản mà các luật sư thương mại của nhóm legal 500 hay dùng trong các giao dịch ở Việt Nam, được du nhập từ common law. Hãy đọc phần này, và nếu có cơ hội đọc các hợp đồng của YKVN hoặc của Victory LLC, bạn sẽ thấy vai trò của các luật sư khi hành nghề về Hợp đồng thật thú vị.

 

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa cuốn này không có những điểm chưa hoàn hảo. Nhưng như Ngô Thừa Ân đã nói “trời đất còn khiếm khuyết, nói chi là một bộ kinh sách”. Nên tôi cho với tất cả những gì mà cuốn sách mang lại, nó xứng đáng là một cuốn để bạn gối đầu giường, nếu bạn là dân luật.

 

Nhận xét

  1. Thầy review có tâm quá ạ. Em mới sinh viên năm 3 và rất có hứng thú với sách và đang gom lúa để tậu.( "Sinh viên" mà thầy nói chắc là mới học các môn dân sự 1,2 ạ.)

    Trả lờiXóa
  2. Em cảm ơn những bài viết bổ ích của thầy ạ. Và thật biết ơn vì đã biết đến thầy ạ!!!

    Trả lờiXóa
  3. Món quà tuyệt vời nhất những ngày đầu năm mới 2022 là được biết đến blog của thầy. Xin gửi tới thầy lời chúc sức khỏe và bình an ạ!

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...