Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, có thể kể ra hàng loạt khác biệt giữa văn hóa quản lý của thế giới và của Việt Nam. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất có lẽ là do: Ở Việt Nam, quản lý chưa được coi là một khoa học để từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý cho các nhà quản lý một cách bài bản, hệ thống trước cũng như trong quá trình làm quản lý. Hơn nữa, quản lý chưa được coi là một nghệ thuật để từ đó có biện pháp phát hiện, lựa chọn và bổ nhiệm những người có năng lực quản lý thực sự vào cương vị quản lý.
Vinh dự là một trong những người đọc những tác phẩm nhỏ (trong một tác phẩm lớn này) đầu tiên, tôi trộm nghĩ, cuốn sách đã biến những kiến thức pháp lý về quản trị doanh nghiệp khô khan trở thành những bài báo đáng đọc, đáng suy ngẫm. Có lẽ ai cũng biết, trọng tâm công việc quản trị doanh nghiệp trong thời hội nhập sẽ dành cho những người có tri thức về quản lý, những người lao động có kiến thức. Điều này chưa phải là một điểm mạnh của nhân lực quản lý ở Việt Nam hiện nay. Quá trình hội nhập sẽ tạo ra những sân chơi mới với những điều kiện và đòi hỏi không giống như trước đây.
Pháp luật về quản trị doanh nghiệp với tôi rất đúng với câu nói “lý thuyết chỉ là màu xám”, nhưng ở đây, Phạm Hoài Huấn đã dùng ngôn ngữ báo chí, sự mẫn tiệp của một cây bút và cả sự nghiêm túc của một chuyên gia để biến nó trở thành một “cây đời” thực sự - mãi mãi xanh tươi.
Trên tay các bạn là cuốn sách Doanh nhân và Kiểm soát quản trị của tác giả Phạm Hoài Huấn, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn sách này là kết quả của nhiều năm làm công tác giảng dạy và quan trọng hơn, là những lăn lộn với thực tiễn và mài giũa ngòi bút của tác giả. Điều đó làm nên cây bút PHẠM HOÀI HUẤN!
Cuốn sách (hay là những bài báo xuất sắc) được viết rất cô đọng, súc tích, đương thời và thú vị đã cung cấp nhiều kiến thức và kỹ năng quản trị với độc giả, đặc biệt là với các doanh nhân.
PHẠM NGỌC TUẤN
Tổng Biên tập Báo Diễn đàn doanh nghiệp
Nhận xét
Đăng nhận xét