Chuyển đến nội dung chính

Làm ăn với Mỹ (kì 2)

 

Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong hành trình đó, đã có những giai đoạn thật khó khăn đối với cả hai bên, để biến hai kẻ “cựu thù” trở thành một mối quan hệ đối tác thương mại. Trong hành trình ấy, có những con người, bằng nhiều cách khác nhau, đã tham gia vào và/hoặc chứng kiến những bước thăng trầm trong mối quan hệ kia. Kết quả là, họ đã có những trải nghiệm đáng giá và khi được kể lại, đủ làm mê mẩn người nghe. Trong một ngày rảnh rỗi, tôi chọn lọc những bài này, hi vọng chia sẻ với bạn những câu chuyện cũ, nhưng thật thú vị.

 

Kì 2: ĐÀM PHÁN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT MỸ

Thi Đại học Bách khoa Hà Nội với giấc mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy, cậu sinh viên Nguyễn Đình Lương bất ngờ được cử đi Liên Xô học "thương mại", chuyên ngành "lạ tai" thời đó tới mức người trong khoa nói vui là "chữa bệnh ngoài da".


CHÀNG SINH VIÊN NHÀ QUÊ VỚI DUYÊN NỢ ĐÀM PHÁN

Tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Đình Lương thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội với giấc mơ trở thành một kỹ sư, chế tạo máy móc gì đó cho quê hương. Một tháng sau khi nhập học, chủ nhiệm khoa gọi Nguyễn Đình Lương thông báo việc được chọn đi học ở Liên Xô. Sau khóa học tiếng Nga cơ bản tại Đại học Ngoại ngữ Gia Lâm, Hà Nội, chàng sinh viên khoa chế tạo máy lại được phân đi học chuyên ngành ngoại thương ở Trường quan hệ quốc tế Moscow.

 

Thời điểm đó, rất ít người hiểu "ngoại thương" là gì nên khi cậu sinh viên lên Khoa chế tạo máy hỏi thì được trả lời: "Ngoại thương chắc là chữa bệnh ngoài da". Nếu là bây giờ, ai cũng có thể khẳng định chắc chắn: Đó là nói vui. Thế nhưng, nếu quay lại gần 60 năm trước, chưa chắc người nói câu đó đã đùa mà có thể là không biết thật.

 

Thực tế, khi phân chuyên ngành để đi học ở Liên Xô, các ngành "hot" là toán, lý, triết học, điện, y… còn ngoại thương là "con ghẻ". Vào thời điểm nhận chuyên ngành học là "ngoại thương", chàng sinh viên "nhà quê" đã nghĩ rằng "đó là hạn chế của số phận" của mình.

 

"Mình là dân quê ra, trên đầu không ai nâng đỡ. Tổ chức phân công gì thì phải làm đấy, không biết kêu ca với ai. Giờ phút đó, tôi hiểu được những hạn chế của đời mình và chỉ còn cách duy nhất để vươn lên là chăm học, học cho giỏi", ông Nguyễn Đình Lương chia sẻ.

Thế nhưng, khi sang Moscow học thì Nguyễn Đình Lương mới phát hiện ra trường mình học là nơi đào tạo nhiều con em lãnh đạo ngoại giao cấp cao các nước Đông Âu. Sinh viên tốt nghiệp từ ngôi trường này có nhiều người trở thành nhà đàm phán quốc tế và cậu sinh viên Việt Nam bắt đầu nuôi dưỡng trong mình một giấc mơ mới…

 

Nuôi giấc mơ trở thành một nhà đàm phán quốc tế nhưng về nước, Nguyễn Đình Lương được tổ chức phân công về giảng dạy tại Đại học Ngoại thương. Tại đây, ông Lương có quá trình phấn đấu và trở thành Bí thư đoàn trường của ngôi trường điểm của Trung ương Đoàn, sau đó vào Đảng và trở thành Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng ban Tổ chức và Trưởng ban kiểm tra Đảng ủy.

 

Năm 1978, ông Lương bất ngờ được đề nghị chuyển sang làm việc tại Vụ 1, Bộ Thương mại (chuyên phụ trách các nước xã hội chủ nghĩa). Thời điểm đó, Việt Nam chuẩn bị đàm phán gia nhập SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế - xã hội chủ nghĩa) nên Bộ Thương mại rất cần các chuyên gia học về đối ngoại và ngoại thương, lại giỏi tiếng Nga. Đây chính là một bước ngoặt trong sự nghiệp của ông Nguyễn Đình Lương.

 

Làm công việc tổng hợp ở Vụ 1 một thời gian ngắn, ông Lương được cử đi học bồi dưỡng quản lý kinh tế ở Liên Xô 1 năm. Trở về nước sau khóa học, ông Lương đi làm ngay ngày hôm sau và nhận chỉ đạo chuẩn bị tài liệu làm việc với đoàn công tác của Hungary. Do lãnh đạo vụ đi công tác nước ngoài, ông Lương trở thành đại diện lãnh đạo Vụ 1 làm việc với đoàn Hungary với chức danh "Phó Vụ trưởng". "Quyết định bổ nhiệm Vụ phó cho cậu Lương đã được lãnh đạo Bộ bàn và thống nhất rồi nhưng chưa ra văn bản vì Bộ trưởng đang đi công tác", một Thứ trưởng nói.

Cũng kể từ đó, hơn 10 năm kế tiếp, ông Lương có cơ hội đi đàm phán, kết giao bạn bè với "lãnh đạo ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa anh em". Nhà đàm phán Nguyễn Đình Lương đã đi khắp các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Họp SEV mỗi quý một lần ở Moscow, hàng năm tới các quốc gia như Triều Tiên, Cuba, Albani… ; với Nga, có năm ông ở Moscow tới hơn 3 tháng.

 

Trong những năm tháng đó, ông Lương đã tạo dựng được nhiều quan hệ bạn bè thân hữu. Chính những mối quan hệ này đã giúp ông Lương xử lý thuận lợi trong việc đàm phán trả nợ các nước xã hội chủ nghĩa vào những năm 1980, đầu 1990. Cuối những năm 1980, các nước Đông Âu khó khăn, họ bắt đầu đòi nợ Việt Nam. Từ năm 1999, Liên Xô cũng đòi nợ.

 

"Họ đòi trả bằng cà phê, cao su nhưng ta chỉ có ít. Khi đó, tôi và anh em phải nghiên cứu, tìm cách xử lý vấn đề trả nợ sao cho phù hợp", ông Lương kể lại. Với Ba Lan, người Ba Lan thích tặng quà cho nhau trong các dịp lễ, sinh nhật và quà chỉ cần đơn giản. Nắm được điểm đó, đoàn đàm phán của Việt Nam đề nghị thành công việc trả nợ bằng giỏ cói và hàng thủ công mỹ nghệ. Với Rumani, Việt Nam trả nợ bằng than cám (Rumani có ngành công nghiệp luyện kim, rất cần than). Với Nga, 1 triệu lít rượu volka lúa mới và 1 triệu m2 thảm đay được dùng để thanh toán các khoản nợ…

 

Không chỉ giúp Việt Nam trả nợ và làm vừa lòng các đối tác, những thỏa thuận này còn rất hữu ích cho người dân Việt Nam. Nông dân trồng đay ở Thái Bình, Nam Định rất vui. Các nhà máy rượu mọc lên nhiều và nguyên liệu chính cho sản xuất là sắn và ngô.

 

Sau nhiều năm đàm phán hiệp định với các nước xã hội chủ nghĩa, ông Lương trở thành Vụ trưởng Vụ 1 và tiếp tục công việc của mình với các nước tư  bản chủ nghĩa như Sinapapore, Canada và một số nước châu Âu không thuộc EU như Na Uy, Thụy Sĩ…


HIỆP ĐỊNH CUỘC ĐỜI VÀ NGUỒN GỐC “ÂM MƯU CỦA MỸ”

Vào những năm 1990, tại Bộ Thương mại, ông Nguyễn Đình Lương là lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm nhất về đàm phán với các hiệp định thương mại quốc tế. Khi Chính phủ giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA), ông Lương đã coi đó là "Hiệp định của cuộc đời". BTA là hiệp định thương mại quốc tế lớn đầu tiên của Việt Nam nhưng là cuối cùng đối với ông Lương trên cương vị Trưởng đoàn đàm phán.

 

Thời điểm bắt đầu khởi động đàm phán BTA, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ được mô tả ngắn gọn qua 2 từ "cựu thù": nước Mỹ là người thua trận trong chiến tranh nhưng Việt Nam cũng là đất nước chịu nhiều mất mát, đau thương lớn. Trước khi bước vào bàn đàm phán, niềm tin giữa 2 bên ở mức thấp. Tại Việt Nam, câu nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã gây ám ảnh đối với nhiều người, nhất là những người quan trọng: "Nếu chúng ta không thắng Việt Nam trong chiến tranh thì phải thắng khi hòa bình". Đó là lý do mà không ít người coi BTA là "một âm mưu của Mỹ".

Thực tế, ngoài niềm tin với Mỹ ở mức thấp, nhận thức về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế hay toàn cầu hóa vào thời điểm đó ở Việt Nam cũng ở mức tương tự. Ông Nguyễn Đình Lương vẫn nhớ như in lời phát biểu của một lãnh đạo trong một buổi hội thảo khoa học có chủ đề "Toàn cầu hóa và ảnh hưởng tới Việt Nam" vào giai đoạn đó: "Toàn cầu hóa là trò chơi của giai cấp tư sản, chỉ mang lại đói nghèo, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn. Chúng ta phải chờ toàn cầu hóa do giai cấp vô sản lãnh đạo".

 

Và ông Lương vẫn nhớ phần tranh luận bổ sung của mình sau khi đưa ra nhiều phân tích về tác động của toàn cầu hóa với Việt Nam: "Nếu chờ toàn cầu hóa của giai cấp vô sản thì chúng ta chờ đến bao giờ? Giai cấp vô sản ở nơi nào trên thế giới sẽ thực hiện toàn cầu hóa?".

 

Cũng vì thế, khi trở thành Trưởng đoàn đàm phán BTA, ông Lương hiểu rằng mình không chỉ phải đàm phán với phía Mỹ mà còn phải thuyết phục nhiều người Việt Nam tin tưởng vào lợi ích của Hiệp định này. Nhiệm vụ của Trưởng đoàn đàm phán không chỉ gồm những điều khoản được thỏa thuận trong BTA mà còn phải làm thế nào để nhận được sự đồng tình ở trong nước về hiệp định.

Trong quá trình tìm kiếm sự ủng hộ trong nước cho việc ký kết BTA, không ít lần ông Lương cũng gặp những giây phút chạnh lòng. Hôm đó, tại một buổi hội thảo về BTA, ông Lương bày tỏ ý kiến riêng của mình về Tổng thống Bill Clinton: "Trong lịch sử quan hệ Việt – Mỹ, chưa có tổng thống nào đối xử với Việt Nam tốt hơn Bill Clinton", rồi đưa ra những dẫn chứng. Và ông Lương nhận được ngay nhận xét: "Lập trường giai cấp mơ hồ. Đã là trùm đế quốc thì làm gì có chuyện tốt với Việt Nam?".

 

Trưởng đoàn đàm phán BTA chia sẻ, ông biết câu nói đó là bình thường với nhận thức chung thời điểm ấy. Thế nhưng, điều khiến ông Lương buồn là "cuộc hội thảo đó thành công cốc bởi những người khác phát biểu thì không ai muốn mình có ‘lập trường giai cấp mơ hồ’ cả".

 

Trong bối cảnh đó, ông Lương đã quyết định tìm sự giúp đỡ từ bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng thương mại Việt – Mỹ (người đóng vai trò cầu nối quan trọng trong nhiều năm đàm phán BTA). Thông qua bà Virginia Foote, ông Lương tìm kiếm nguồn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để mời các giáo sư Mỹ sang Việt Nam nói chuyện với các bộ ngành về lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa và WTO. Đây là một bước chuẩn bị quan trọng: tìm sự đồng thuận ở trong nước trước khi tìm sự đồng thuận của đối tác trên bàn đàm phán BTA.


“BÍ MẬT” CỦA QUÁ TRÌNH SOẠN THẢO BTA

Dự thảo Hiệp định thương mại Việt - Mỹ là một câu chuyện thú vị khác. Với một hiệp định mà các thành viên của đoàn đàm phán Việt Nam chưa hề có kiến thức về kinh tế thị trường, ông Nguyễn Đình Lương đã đề nghị Trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ Joseph Damon hỗ trợ. Theo đó, phía Mỹ sẽ đưa ra một dự thảo cho BTA theo những nguyên tắc chuẩn mực của WTO, tức là chuẩn mực kinh tế thị trường thế giới, để 2 bên cùng thảo luận, sửa đổi.

 

Tuy nhiên, ngay cả khi có dự thảo từ phía Mỹ, việc hiểu được những gì viết trong đó cũng là một thách thức lớn với ông Lương cũng như đoàn đàm phán. Thời điểm đó, các học giả trong nước chưa ai nghiên cứu sâu về các hiệp định thương mại kiểu BTA. Ông Lương tìm đến một học giả có tiếng, trước đó từng là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế dưới chính quyền Sài Gòn cũ và có 2 nhiệm kỳ tại IMF. Tuy nhiên, với việc WTO mới được thành lập và các quy định trong BTA cũng đều rất mới, chuyên gia này cũng không thể giúp được gì nhiều.

 

Trưởng đoàn đàm phán quyết định tìm tới sự giúp đỡ từ những "người anh em xã hội chủ nghĩa": khi sang Trung Quốc, ông Lương không nhận được tư vấn gì có giá trị, "với Nga thì họ cũng chưa có kinh nghiệm". Cơ hội lớn nhất là sang Hungary khi người bạn cũ của ông Lương đồng ý giúp. Theo đó, Việt Nam cần gửi công hàm yêu cầu hỗ trợ chuyên gia tư vấn am hiểu về lĩnh vực này. "Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau khi Việt Nam gửi công hàm, chính phủ của họ sụp đổ. Cánh cửa cũng đóng lại", ông Lương kể.

 

Khi tham khảo kinh nghiệm ở Ba Lan – quốc gia đã ký hiệp định thương mại với Mỹ, ông Lương cũng không nhận được nhiều bài học hữu ích. "Mỹ gửi gì thì Ba Lan ký nấy, bởi họ coi đó là tấm vé gia nhập EU. Viêt Nam thì không làm thế được", ông Lương nhận xét.

Không thể tìm trợ giúp từ bên ngoài, ông Lương và các thành viên của đoàn đàm phán chỉ còn một cách duy nhất: tự tìm hiểu và giải mã BTA. Trong suốt gần 5 năm đàm phán, ông Lương và các thành viên trong đoàn gần như làm việc không có ngày nghỉ. Đọc luật Mỹ, tìm hiểu luật pháp quốc tế và hiệp định thương mại của các nước, họ say mê tìm hiểu, tranh luận, hỏi han khắp nơi về ý nghĩa và ngữ cảnh của từng từ trong bản hiệp định. Ông Lương tiết lộ là "chỉ nghỉ thực sự chiều 30 và ngày 1 Tết Âm lịch, còn lại là sống với những con chữ của bản hiệp định".

 

Thực tế, để đàm phán với phía Mỹ, Trưởng đoàn đàm phán BTA của Việt Nam cùng những cộng sự của mình không chỉ học và khám phá ý nghĩa, dự kiến tác động của những câu từ trong hiệp định. Cả đoàn đàm phán còn phải cùng nhau học văn hóa, lịch sử Mỹ… để có thể hiểu hơn về đối tác của mình. Bởi thực tế, khi xuất phát đàm phán, cả 2 bên đều chưa có sự tin tưởng lẫn nhau bởi những "vết hằn của quá khứ".

 

"Đoàn đàm phán Việt Nam quyết định rằng, chúng tôi phải giải quyết mọi việc bằng thái độ thẳng thắn nhưng chân thành và những người Mỹ cũng rất thích điều đó. Đây cũng là điều mà tôi vẫn làm nhiều năm trước đó khi đi đàm phán với đại diện các nước xã hội chủ nghĩa. Nếu mình không hiểu thì hãy hỏi hoặc nói thật điều đó và nói thật những khó khăn của mình để 2 bên cùng nhau giải quyết", ông Lương tâm sự về bí quyết vượt qua tâm lý "cựu thù" cũng như việc thiếu hụt kiến thức với một bản hiệp định rất mới.


TRIẾT LÝ CỦA “ANH THỢ CÀY” TRÊN BÀN ĐÀM PHÁN

Trước khi bước chân vào giảng đường, ông Lương là một thợ cày chính hiệu. Lúc còn ở quê, bố dạy ông Lương cách có được một đường cày thẳng là "phải nhìn hướng ra phía xa chứ không được nhìn vào đít con bò". Khi đàm phán BTA, triết lý để có được "đường cày thẳng" cũng là điều ông Lương thực hiện để đưa quan điểm của 2 bên đến gần nhau hơn.

 

Trong quá trình đàm phán, một trong những điểm 2 bên bất đồng là thuế xuất nhập khẩu. Phía Mỹ nhất quyết đòi phải giảm ngay và nhanh, còn đoàn đàm phán Việt Nam thì không đồng ý. Nút thắt được mở khi ông Lương chia sẻ với Joseph Damond – Trưởng đoàn đàm phán Mỹ: "Ở Việt Nam, chúng tôi chỉ có thuế xuất nhập khẩu là nguồn thu chính cho ngân sách, trong khi Mỹ chỉ chiếm có 2%. Nếu Mỹ có thể thu tới 98% cho ngân sách từ thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, VAT, thuế tài nguyên, tài sản… thì với Việt Nam hiện nay điều đó là không thể".

 

Rồi ông Lương thẳng thắn: "Phần lớn người Việt Nam có thu nhập chỉ đủ ăn, làm sao có thể nộp thuế thu nhập, căn hộ thì là của Nhà nước cấp làm sao có thuế tài sản, VAT thì chúng tôi chưa thu… Nếu cứ nhất quyết đòi giảm ngay thuế xuất nhập khẩu thì hiệp định không thể ký được". Sau chia sẻ của Trưởng đoàn Việt Nam, đoàn đàm phán Mỹ thay đổi ý kiến về vấn đề thuế xuất nhập khẩu.

Thực tế, trên bàn đám phán, để phía Mỹ thực sự hiểu được các khó khăn của Việt Nam khi hội nhập, ông Lương và đoàn đàm phán của mình luôn nhất quán với nguyên tắc thẳng thắn và chân thành. Chế độ ưu đãi phổ cập về thuế quan (GSP) mà Mỹ đồng ý "dành cho phía Việt Nam" trong BTA là một ví dụ điển hình.

 

Lúc đó, ông Lương chịu áp lực từ cấp trên của mình về việc phải có bằng được GSP bởi một số nước khác đã được Mỹ đồng ý khi ký hiệp định thương mại song phương. Thế nhưng, chỉ có ông Lương mới hiểu rằng, GSP không được áp dụng cho các nước giàu, các nước OPEC, các nước ủng hộ khủng bố và các nước Xã hội Chủ nghĩa.

 

Để có thể thuyết phục phía Mỹ đồng ý để "Việt Nam hưởng GSP", ông Lương đã nói rất thật về bối cảnh của Việt Nam. Cuối cùng, phía Mỹ cũng đồng ý ghi vào BTA "sẽ xem xét dành GSP cho phía Việt Nam" dù đến nay, điều đó vẫn chưa thành hiện thực.

 

BTA có một chương dành cho dịch vụ được viết lại hoàn toàn so với dự thảo, điều mà phía Mỹ thường không chấp nhận trong các đàm phán song phương. Lý do là ông Lương cùng đoàn đàm phán đã phân tích kỹ để phía Mỹ hiểu rằng: Việt Nam hoàn toàn chưa có luật về dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, hàng không, viễn thông… nên không thể tạo ra danh sách bảo lưu. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, Việt Nam sẽ tuân theo lộ trình về mở cửa thị trường đối với nhiều ngành được coi là nhạy cảm thời đó như viễn thông, ngân hàng….


SỐ 9 KHÔNG MAY MẮN VÀ BỨC ẢNH “VÀI NĂM SAU MỚI DÁM KHOE”

Tháng 9/1999, sau 4 năm đàm phán và trải qua 3 đời Bộ trưởng Thương mại, ông Lương tưởng như đã đi đến "chung kết" của BTA với hầu hết các nguyên tắc cơ bản đã được 2 bên thống nhất. Ngày 25/7/1999, hai trưởng đoàn đàm phán đã ký thỏa thuận về nguyên tắc. Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam nói chuyện với người đồng cấp phía Mỹ về khả năng ký kết, với đề xuất chỉnh sửa 10 điểm mang tính kỹ thuật.

 

Nếu hoàn tất, hiệp định sẽ được ký đúng năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại New Zealand và là cơ hội cực tốt để Việt Nam ghi dấu ấn với thế giới. Thế nhưng, vì một số lý do, BTA đã lỡ hẹn với cơ hội lịch sử đó và ông Lương cũng như cả đoàn đàm phán Việt Nam rất buồn.

 

Phải đợi đến gần 1 năm sau đó, ngày 13/7/2000, BTA mới được ký kết, ông Nguyễn Đình Lương và các đồng nghiệp đã hoàn tất một hiệp định lịch sử trong tiến trình hội nhập của Việt Nam.

Cho tới ngày bản hiệp định chính thức được ký kết, thời gian đàm phán kéo dài tới gần 5 năm. Ông Lương cùng các đồng nghiệp Việt Nam cũng như Mỹ từ chỗ còn hoài nghi tiến đến thấu hiểu lẫn nhau.

 

Phía Việt Nam hiểu nhiều hơn về những thách thức mà đất nước sẽ phải đối mặt trong tương lai cũng như cơ hội có thể nhận được khi hội nhập ngày một sâu rộng vào nền kinh tế thế giới mà một bước ngoặt là BTA. Với phía Mỹ, họ cũng hiểu được những khó khăn của một nền kinh tế đang chuyển đổi và chấp nhận nhiều điều khoản chưa từng được đồng ý ở các hiệp định song phương trước đó. Và một nhân tố vô cùng quan trọng khác giữa 2 vị trưởng đoàn đàm phán: sự cảm thông lẫn nhau.

 

Thế nhưng, với ông Lương, ngay cả khi BTA được ký kết, việc cần cẩn trọng để tránh bị hiểu nhầm được thể hiện rất rõ qua một kỷ niệm nhỏ. Đó là tấm ảnh ông Lương chụp chung với người bạn thân của mình - bà Virginia Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt tại Lầu Năm góc Bộ Quốc phòng Mỹ. Phải vài năm sau khi chụp, ông Lương mới dám khoe bạn bè bức ảnh này.

 

Sau khi BTA được ký kết, ông Lương có câu trả lời phỏng vấn rất ấn tượng về niềm vui của mình: "Giống như người nông dân cày xong một thửa ruộng, rít một điếu thuốc lào, thả khói lên trời. Sướng!".

Phía sau cái sướng của một nhà đàm phán đã hoàn thành nhiệm vụ, ông Lương còn có một niềm tự hào khác mà lúc đó không thể nói ra: "BTA mở cánh cửa đưa Việt Nam hội nhập thực sự vào nền kinh tế toàn cầu. Hội nhập kinh tế sẽ buộc những tư duy cũ kỹ phải thay đổi, những thế hệ sau sẽ không còn phải chịu cảnh ăn đói, mặc rách như chúng tôi từng nếm trải. Thực tế là BTA đã mở ra những cánh cửa mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam: những luật mới tiến bộ hơn được ban hành, nhiều cơ hội mới cho kinh doanh, những cơ chế kiểu thời bao cấp và kế hoạch hóa bị quét sạch…".

 

Sau BTA với những thay đổi bước ngoặt, Việt Nam đàm phán gia nhập WTO, rồi tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do khác và nền kinh tế cũng được hưởng rất nhiều lợi ích từ hội nhập. Riêng quan hệ thương mại Mỹ - Việt đã có những thành tựu vượt trội mà chính những người trong cuộc cũng không nghĩ tới.

 

Khi 2 nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, kim ngạch thương mại Việt Mỹ tăng từ 450 triệu USD lên 1.09 tỷ USD vào năm 2000. Tuy nhiên, từ khi có BTA, kim ngạch thương mại Việt – Mỹ tăng bình quân 20%/năm. Đến năm 2019, con số này là 75,72 tỷ USD, tăng gấp 75 lần so với năm 2000.

 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2000 là 0,733 tỷ USD nhưng tăng lên tới 14,37 tỷ USD vào năm 2019. Năm ngoái, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết Việt Nam ngày càng gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu của Mỹ trong khu vực ASEAN.


MÓN QUÀ CỦA TỔNG THỐNG MỸ VÀ CHUYỆN Ở VỈA HÈ NHÀ TRƯỞNG ĐOÀN ĐÀM PHÁN BTA

Bộ bàn ghế, 2 chiếc quạt cùng chiếc kệ ti vi khiến phòng khách nhà ông Lương trông khá rộng. Bức ảnh duy nhất được treo trên tường ghi lại khoảnh khắc ông bắt tay Tổng thống Mỹ Bill Clinton ở Nhà Trắng lúc 16h ngày 13/7/2000. Tuy nhiên, đây chỉ là bản sao. Tấm ảnh gốc được ông Lương treo trên căn phòng trên tầng 4, nơi ông dành phần nhiều thời gian trong ngày ở đó.

 

Nói về vị tổng thống Mỹ nỗ lực thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ông Lương không giấu được những cảm xúc. Ngày 13/7, đoàn đàm phán BTA Việt Nam được hẹn vào Nhà Trắng để gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Đoàn Việt Nam có ông Vũ Khoan, ông Nguyễn Đình Lương và ông Lê Bằng.

 

Trong cuộc gặp, dù có sự chuẩn bị trước nhưng phía Việt Nam không được phép chụp lại khoảnh khắc bắt tay ông Clinton. Khi đó, chỉ các phóng viên Nhà Trắng được sử dụng máy ảnh. Đó là điều mà ông Lương rất tiếc.

 

"Tôi rất thích Clinton. Nghiên cứu về ông này, tôi biết bằng khi còn trẻ, vì phản đối chiến tranh Việt Nam nên ông ấy đã bỏ sang Anh học đại học. Khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Clinton theo sát từng bước đi trong mối quan hệ với Việt Nam. Khi bỏ cấm vận, ông ấy phải thông qua Quốc hội Mỹ trước khi công bố nhưng việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ông ấy tuyên bố trước rồi mới thông qua Quốc hội. Nó không chỉ là cách để nâng tầm vị thế cá nhân tổng thống mà nó còn thể hiện sự khéo léo của chính trị gia Mỹ", ông Lương nhận định.

Năm 2001, khi Bill Clinton sang thăm Việt Nam, phía Mỹ có gặp ông Lương và thông báo "Tổng thống có quà cho ông". Trưởng đoàn đàm phán BTA vô cùng hồi hộp cho tới buổi tiệc chiêu đãi. "Hôm đó, họ trang trọng trao cho bức ảnh chụp tôi bắt tay ông Clinton tại Nhà Trắng. Nó được đóng khung và đưa từ Mỹ sang", ông Nguyễn Đình Lương kể với giọng phấn khích.

 

Nếu như tầng 4 tại nhà riêng ông Lương là nơi treo bức ảnh gốc vị Trưởng đoàn đàm phán BTA của Việt Nam bắt tay Tổng thống Mỹ Bill Clinton, thì ở mặt tiền ngôi nhà có một "bức tranh" khác. Nhiều năm nay, trước cửa nhà ông Nguyễn Đình Lương luôn có hàng hoa quả được bày bàn ở vỉa hè – điều không thường thấy ở các nhà mặt phố tương tự trên phố Đặng Tiến Đông (Hà Nội).

 

Chị bán hàng ngồi đây đã nhiều năm cho biết: "Ông cho tôi ngồi đây và còn được gửi nhờ hàng khi bị phường đi dẹp. Bây giờ có được chỗ bán hàng ở mặt đường không mất tiền, lại còn được nhờ như vậy là may lắm đấy…".

 

Hình ảnh chị bán hàng trên vỉa hè với mẹt hoa quả nhiều năm có lẽ không phải là điều ông Lương kỳ vọng cho sự thay đổi của Việt Nam sau 20 năm thực hiện BTA. Thế nhưng, nó phản ánh một thực tế không thể chối bỏ: Hội nhập kinh tế quốc tế dù rất sâu rộng và đem lại tăng trưởng, phát triển rất lớn cho cho nền kinh tế Việt Nam nhưng vẫn chưa đủ để đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Và cũng như chấp nhận những cơ hội bị bỏ lỡ trước đây trong đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán BTA Nguyễn Đình Lương rất thông cảm với chị bán hàng trước cửa nhà mình.

 

"Chị này tên Lý quê ở Hà Đông nhưng ngồi bán ở trước cửa nhà tôi lâu rồi vì tiện nuôi mẹ, nuôi con. Nồi cơm của cả gia đình người ta là ở đó. Tiền cơm, tiền học cho con ở cả đấy, cô đó có chỗ ngồi bán ổn định thì cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn, nhất là thời dịch bệnh như bây giờ", ông Lương kể.

 

Tuy nhiên, việc đồng ý cho chị Lý ngồi bán hoa quả trước cổng còn bắt nguồn từ chính sự cảm thông mà một người sinh ra trong gia đình nông nghiệp dành cho một người lao động chân tay.

 

"Mẹ tôi ở quê làm gì được như cô ấy. Bà vất vả lắm. Cho nên, với những người vất vả như thế, tôi bảo hãy cứ ngồi trước cổng nhà tôi mà bán. Tuyệt đối không phải mất gì hết. Kiếm được đồng nào hay đồng ấy mà nuôi con", ông Nguyễn Đình Lương chia sẻ.

Nguồn: Trí thức trẻ (ngày 03.10.2020)

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...