Nghề Luật là một trong những nghề phải viết nhiều nhất. Để viết tốt thì người hành nghề luật phải đáp ứng hai điều kiện: (i) Tư duy rõ ràng; (ii) Kỹ thuật viết tốt.
Bản chất của việc rèn kỹ năng viết chính là rèn về mặt tư duy. Tư duy pháp lý (legal reasoning) là một môn mà sinh viên luật và xa hơn là các bạn hành nghề luật phải trang bị để làm nền tảng cho việc hành nghề. Bạn phải nhận diện được các sự kiện pháp lý, vấn đề pháp lý để từ đó có các giải pháp và/hoặc lựa chọn. Đấy, nghề của mình cần thế. Cũng cần nói thêm là các bạn học luật ở Việt Nam có một thiệt thòi là môn Tư duy pháp lý hầu như không được dạy [kĩ lưỡng]. Cho nên, đa phần các bạn sẽ trang bị tư duy pháp lý bằng cách tự học hoặc được đào tạo khi làm việc tại các hãng luật. Thực trạng này làm bạn kém tự tin và doanh nghiệp nhận các bạn vừa tốt nghiệp phải tốn thêm thời gian & công sức để đào tạo.
Cho nên, khi bạn đã có tư duy pháp lý tốt, bạn đã có tiền đề tốt dể theo đuổi nghề luật và bạn sẽ khác biệt so với những người không được trang bị tư duy pháp lý (bất kể người này có học luật hay không). Và khi đã có tư duy tốt, rõ ràng, thì việc nói hay viết chỉ là HÌNH THỨC THỂ HIỆN CHO CÁC LẬP LUẬN của bạn thôi. Từ trải nghiệm của mình, những luật sư thành công nhất của Việt Nam đều là những người viết giỏi, vì đơn giản là họ có tư duy rõ ràng và họ thực hành việc viết hàng ngày.
CẢI THIỆN TƯ DUY PHÁP LÝ
Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để cải thiện tư duy pháp lý khi mà trường của bạn không dạy môn này? Có vài gợi ý mà bạn nên cân nhắc:
Thứ nhất: Tự hoàn thiện thông qua việc tự học. Có rất nhiều nguồn để bạn làm việc này, trong đó khuyến nghị là nên đọc cách sách legal reasoning. Như đã đề cập, đây là một môn quan trọng ở các chương trình đào tạo luật của các nước common law nên chắc chắn là sách viết về nó rất nhiều. Có một điều hơi buồn là đa phần sách về chủ đề này đều là...tiếng Anh. Tuy vậy, khoan hãy thất vọng, luật sư Nguyễn Ngọc Bích có một cuốn về chủ đề này, đủ thú vị để bắt đầu cuộc hành trình phát triển tư duy pháp lý (Nguyễn Ngọc Bích (2019), Tư duy pháp lý của Luật sư, NXB Trẻ).
Thứ hai: Đọc thật nhiều các bài viết và/hoặc ý kiến của các luật sư thành danh, học hỏi từ họ cách họ lập luận, tranh luận...
Thứ ba: Hãy tập viết. Viết là một qui trình ngược để rèn luyện tư duy pháp lý. Khi bạn viết về một vấn đề pháp lý, bạn sẽ phải duy nghĩ mình viết cái gì (lựa chọn đề tài), viết cho ai (xác định độc giả), viết để làm gì (mục đích) và cuối cùng là nên viết như thế nào (xác định cấu trúc viết). Ví dụ: Bạn nhận định như thế nào về việc làm từ thiện của ca sĩ Thuỷ Tiên trong thời gian vừa qua? Ban đầu, bạn sẽ rất lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Nó sẽ giống như việc chúng ta tập đi xe đạp vậy. Sẽ rất bối rối và cả sợ sệch nữa. Nhưng bạn viết một thời gian, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn, tuy duy pháp lý của bạn theo đó cũng phát triển vượt bậc theo một cách mà bạn không ngờ đấy. Tại sao tôi có thể cam đoan như vậy? Vì đơn giản đó là tất cả những gì tôi đã trải qua. Tôi bắt đầu việc rèn luyện tư duy pháp lý và kĩ năng viết bằng một cái blog, sau đó là viết cho Vietnamnet, Thời Báo Kinh tế Sài Gòn & Diễn đàn doanh nghiệp trong hơn một thập kỉ. Tôi coi đấy là những bài tập viết mà tôi phải hoàn thành. Và nếu bạn muốn đọc những “bài tập” ấy của tôi, xem 10 năm trước và bây giờ khác nhau thế nào, bạn có thể xem trong link sau đây.
Cho nên, hãy bắt đầu hành trình hoàn thiện tư duy pháp lý và kỹ năng viết bằng cách tạo cho mình một blog. Tôi sẽ rất vui nếu được đọc bài viết đầu tiên của bạn trên blog ấy.
Nhận xét
Đăng nhận xét