Những dư chấn của Covid-19 đã ảnh hưởng
nặng nề đến những người hành nghề luật chuyên nghiệp như chúng tôi. Nhưng cũng
nhờ thế, mà chúng tôi có những ngày rảnh rang đúng nghĩa. Một trong những câu chuyện
thú vị mà chúng tôi trao đổi là câu chuyện tranh tụng tại Toà án. Theo đó, có vẻ
như các Toà vẫn chưa có sự nhất quán khi xét xử. Cùng một loại vụ việc, nhưng đôi
khi việc xét xử tại các địa phương và các cấp toà án dẫn đến những kết quả khác
nhau. Nói cách khác, dường như pháp luật Việt Nam có vẻ như đang thiếu một “triết
lý” mang tính xuyên suốt.
Sau mùa xuân năm 1975, Việt Nam thống
nhất, chấm dứt những ngày khói lửa binh đao. Trong niềm hồ hởi ấy, Việt Nam đã
nhận được sự hỗ trợ to lớn từ những người bạn Liên Xô trong quá trình tái thiết
đất nước sau chiến tranh. Những người con ưu tú nhất của Việt Nam được cử sang
Liên Xô du học.
Đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, cùng
với sự đổ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, đã gây nên những xáo trộn nhất định.
Việt Nam từ chỗ có một đội ngũ nhân sự với trình độ có vẻ tương đồng trong các
lĩnh vực của đời sống kinh tế đến chỗ sự khủng hoảng về mặt triết lý phát triển.
Giá trị lớn nhất mà nền giáo dục Liên Xô mang lại cho Việt Nam chính là tính “hệ
thống” trong đào tạo. Bởi suy cho cùng, vận hành một đất nước, chính là một việc
làm mang tính hệ thống. Việc không tương thích giữa các lĩnh vực, các giai đoạn
đều sẽ khiến cho quá trình hoạch định các chính sách vĩ mô đều sẽ đứng trước
nguy cơ phiến diện hoặc tệ hơn là mang tính cục bộ. Bước sang thập niên 90, đội
ngũ nhân sự kế cận được thụ hưởng những nền giáo dục khác nhau với những tôn chỉ
khác nhau. Và có lẽ, cũng chính từ nền giáo dục không tương đồng này, đã dẫn đến
những chỗ vênh trong hoạch định chính sách và phát triển.
Là một bộ phận trong hệ thống, pháp
luật cũng phản ánh đúng tinh thần của quá trình “đứt gãy” ấy. Từ một nền luật học
đậm dấu ấn của Liên Xô, bước sang thập niên 90, Việt Nam đã có sự thay đổi một
cách rõ rệt. Trong khi những lĩnh vực về pháp luật hành chính, hình sự vẫn là lãnh
địa của tư duy Liên Xô, thì các lĩnh vực luật tư đã bước ra ngoài “quĩ đạo” ấy.
Trong lĩnh vực dân luật, vai trò của Pháp là không thể chối cãi. Ảnh hưởng của người
Pháp trong lĩnh vực pháp luật dân sự là một điều thú vị. Trong khi đó, cùng với
việc tổng thống Bill Clinton tuyên bố chấm dứt cấm vận, mở đường cho làn sóng đầu
tư vào Việt Nam, pháp luật Việt Nam cũng chứng kiến bước chuyển mạnh mẽ mang dấu
của xứ cờ hoa. Giá trị giao thương càng lớn, sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ lên Việt
Nam càng lớn. Từ Luật Doanh nghiệp năm 1999 đến Luật Cạnh tranh 2004, tất cả những
yếu tố này đã tác động sâu sắc đến tư duy pháp lý và cả việc thực thi pháp luật
Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh thương mại.
Quay trở lại góc nhìn hệ thống, câu hỏi
được đặt ra là với ít nhất là ba (03) khuynh hướng pháp lý đang đan xen nhau như
vậy, đều gì sẽ gắn kết các bộ phận của pháp luật Việt Nam để nó trở thành một hệ
thống hoàn chỉnh và mang tính gắn kết?
Một nền pháp luật thiếu sự định hướng
bởi những quan điểm và/hoặc học thuyết pháp lý nhất quán, mang trong mình những
đứt gãy và thiếu liên kết, về lâu dài sẽ làm chi phí giao dịch tăng cao sẽ làm chùn
bước nhà đầu tư nước ngoài và làm giảm sự cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường
quốc tế.
Cho nên, vấn đề của Pháp luật Việt
Nam nói chung và ngành Toà án nói riêng chính là ở chỗ đó. Thiết nghĩ, giải quyết
vấn đề này nó mang tính cấp thiết và thiết thực hơn rất nhiều so với việc lựa
chọn một biểu tượng để đặt tại sân toà.
Cảm ơn sự trăn trở của tác giả .
Trả lờiXóa