Chuyển đến nội dung chính

Luật sư hay pháp chế?

Hôm rồi, một bạn học viên trường luật gọi điện cho tôi hỏi rằng: “Sau khi tốt nghiệp đại học Luật, thì nên làm ở các hãng luật hay làm ở doanh nghiệp (pháp chế)”. Thầy hãy cho em lời khuyên. Đây có lẽ là chủ đề mà mà nhiều sinh viên luật quan tâm.

Mặc dù việc học luật, theo như các trường luật vẫn hay nói, đó là các bạn có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. Nhưng về cơ bản, bạn có hai lựa chọn lớn: Làm việc tại các hãng luật hoặc Làm việc tại các doanh nghiệp.

Làm tại các hãng luật
Công việc của các hãng luật, thông thường sẽ bao gồm ba (03) loại việc: (i) Tư vấn; (ii) Tranh tụng tại toà án hoặc trong tài; và (iii) Xin giấy phép. Tuỳ theo định hướng và nguồn lực mà các hãng luật sẽ thực hiện một trong ba hoặc thực hiện tất cả các hoạt động trên.

Là một nhân viên, đương nhiên bạn cũng sẽ tham gia vào các hoạt động này ở các mức độ khác nhau (tuỳ vào vị trí và khả năng). Thông thường, bạn sẽ bắt đầu từ việc xin các giấy phép như Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép lao động...Sau đó, bạn sẽ tham gia vào các hoạt động tư vấn như hỗ trợ luật sư làm các nghiên cứu, tóm tắt vụ việc...Sau cùng nữa là tham gia vào các hoạt động liên quan đến tố tụng.

Làm việc tại doanh nghiệp
Trừ khi bạn làm ở những công ty đa quốc gia, vai trò của người làm in-house hay gọi dân dã là “pháp chế” sẽ phụ thuộc vào hoạt động của công ty. Thông thường, các doanh nghiệp không có phòng pháp chế đâu. Bạn được tuyển dụng vào, bạn sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp.
Hãy hình dung, việc của một cán bộ pháp chế tại doanh nghiệp, 80% sẽ là mang tính lặp đi lặp lại; 20% sẽ là những việc mang tính phát sinh.

Bản chất vấn đề là
Một sinh viên luật khi mới vừa tốt nghiệp, cho dù bạn đạt thành tích ở trường như thế nào, tin tôi đi, bạn không làm việc được ngay khi tuyển dụng đâu. Lý do rất đơn giản: Muốn làm việc được (cho dù tại hãng luật hay tại bất kì nơi nào), bạn cũng hải cần phải đáp ứng hai (02) yêu cầu sau: Kiến thức & Kỹ năng làm việc.
  • Kiến thức pháp lý: là thứ mà bạn học được ở trường.
  • Kỹ năng làm việc trong môi trường dịch vụ pháp lý: nói không ngoa thì đây là thứ mà các cử nhân luật gần như thiếu vắng.

Trong khi các trường luật một mặt làm tốt việc đào tạo về kiến thức pháp lý thì mặt khác các trường lại thiếu vắng hoàn toàn việc đào tạo kỹ năng. Câu hỏi là kỹ năng làm việc trong môi trường pháp lý là kỹ năng gì? Trả lời cho câu hỏi này, chắc phải dành ra ...vài ngày, nên xin nói trong dịp khác.

Như trên đã trình bày, bạn mới ra trường, bạn cần phải được “dạy” về kỹ năng hành nghề. Cho nên, các hãng luật là “lò đào tạo” tốt nhất cho bạn. Thông qua quá trình làm việc, bạn sẽ học được các kỹ năng thông qua quá trình đào tạo nội bộ, học từ các luật sư, và quan trọng là có trải nghiệm nghề nghiệp.

Trong khi đó, nếu ra trường bạn đi làm cho doanh nghiệp ngay, tôi cho rằng đó là lựa chọn thiếu khôn ngoan. Bởi, với việc thiếu vắng kỹ năng hành nghề luật, bạn sẽ rất khó khăn để áp dụng các kiến thức bạn học được ở trường luật vào công việc. Nếu may mắn, bạn có đồng nghiệp, bạn có thể học hỏi, nhưng nếu không có đồng nghiệp bạn sống sót kiểu nào?

Cho nên, lời khuyên của tôi là bạn hãy nên cân nhắc về việc đầu quân cho các hãng luật. Làm việc thật chăm chỉ, học hỏi nhiều nhất có thể. Sau khoảng năm (05), hãy tính đến chuyện chuyển sang làm in-house, tiếp tục làm cho hãng luật hay thậm chí là mở một văn phòng cho riêng mình.

Một vài lưu ý
  • Nghề luật sư ở Việt Nam, so với các ngành nghề khác, vẫn còn non trẻ. Cho nên, tình trạng lộn xộn và sự thiếu chuyên nghiệp từ các luật sư và/hoặc hãng luật không phải là chuyện hiếm gặp. Hãy tìm cho mình một hãng luật tốt để làm việc.
  • Nghề luật là một nghề chuyên nghiệp, tuyệt đối không có “đường tắt”. Do đó hãy dành thời gian để rèn luyện, việc này mất thời gian, nhưng sẽ xứng đáng.

Nhận xét

  1. Cảm ơn thầy vì những chia sẽ rất hay và bổ ichd

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bài viết của thầy rất nhiều. Một sinh viên năm cuối như em, thực sự đang rất loay hoay. Bởi để tìm được hãng luật để thực tập em thấy khó quá ạ. Cơ hội có thực sự nhiều hay do em chưa thực sự cố gắng ạ? Em có chút áp lực với định hướng nghề luật của mình.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...