Bài viết này đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12(338)
T6/2019. Bài viết Nhận được sự hỗ trợ từ chương trình HR2020 của Quỹ
Marie SkalodowSkalodowska-Curie của Ủy ban Châu Âu.
Dẫn nhập
Giao dịch Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber đầu
năm 2018 đã gây nên những xáo trộn trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng ô
tô dưới 9 chỗ và mô tô. Đồng thời, nó cũng đặt ra vấn đề liệu giao dịch này có
phải là hành vi tập trung kinh tế theo qui định của pháp luật cạnh tranh Việt
Nam? Trên cơ sở đó, ngày 17 tháng 6 năm 2019 Hội đồng cạnh tranh đã có quyết định
số 26/QĐ-HĐXL (sau đây gọi tắt là Quyết định số 26/QĐ-HĐXL) xử lý vụ việc. Tuy
vậy, từ Quyết định số 26/QĐ-HĐXL nổi lên các vấn đề pháp lý sau đây cần phải được
trao đổi lại: (i) Thị trường liên quan, (ii) Chủ thể của hành vi, (iii) Giao
dịch này có phải là hành vi tập trung kinh tế hay không.
Bình luận
1. Thị
trường liên quan
1.1 Thị
trường sản phẩm liên quan
Theo
qui định tại khoản 1 Điều 3
Luật Cạnh tranh 2004 (sau đây gọi tắt là LCT) thì thị trường liên quan bao gồm
thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Theo đó, khoản 1
Điều 4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP xác định “thị trường sản
phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho
nhau cả về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả”. Trong báo cáo điều tra của Cục quản lý cạnh tranh (sau đây gọi tắt là VCA)
thì “thị trường sản phẩm liên quan là thị trường dịch vụ trung gian kết nối vận
tải giữa người đi xe và lái xe ô tô dưới 09 chỗ trên nền tảng phần mềm và tổng đài”.
Theo tác giả việc xác định thị trường sản phẩm liên quan
trong trường hợp này chưa thật sự thuyết phục. Lý do cho việc VCA xác định thị
trường sản phẩm liên quan chỉ là “thị trường dịch vụ trung gian kết nối vận tải
giữa người đi xe và lái xe ô tô dưới 09 chỗ trên nền tảng phần mềm và tổng đài”
xuất phát từ việc VCA lấy quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7 tháng 1 năm 2016 của
Bộ Giao thông vận tải làm xuất phát điểm. Ý nghĩa thật sự của thị trường liên
quan nói chung và thị trường sản phẩm liên quan nói riêng nằm ở khía cạnh “khả
năng thay thế về cầu”. Điều ấy có nghĩa là khi người tiêu dùng có nhu cầu về
hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó, ngoài doanh nghiệp X nào đó, thì người tiêu dùng
có thể thỏa mãn nhu cầu của mình bằng việc mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ từ
doanh nghiệp Y nào đó hay không.
Cách xác định của VCA không chính xác ở chỗ nếu thị trường
sản phẩm là thị trường dịch vụ trung gian kết nối vận tải giữa
người đi xe và lái xe ô tô dưới 09 chỗ trên nền tảng phần mềm và tổng đài, có
nghĩa Grab và/hoặc Uber (sau đây để thuận tiện, xin gọi tắt là Grab) sẽ có mối
quan hệ với cả hai đối tượng là khách hàng và tài xế. Điều đó có nghĩa, cả
khách đi xe và tài xế điều là những người đang sử dụng dịch vụ của Grab. Grab sẽ
đóng vai trò là một đơn vị trung gian và sẽ tính phí dịch vụ đối với hai đối tượng
này.
Với cách tiếp cận như vậy, các hãng taxi sẽ không phải là
doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan với Grab và Uber. Bởi, khi khách
hàng của các hãng taxi sử dụng các ứng dụng của hãng taxi (sau đây gọi tắt là
App) hoặc gọi điện thoại đến tổng đài, họ đang giao dịch với chính hãng taxi chứ
không phải thông qua một bên thứ ba nào cả. Ý nghĩa của các app mà các hãng
taxi làm ra và/hoặc tổng đài điện thoại mà họ có đơn thuần chỉ là cách thức để
khách hàng liên lạc với hãng taxi và có thể sử dụng dịch vụ. Nói cách khác, app
của các hãng taxi nó là một công cụ nằm trong gói dịch vụ vận chuyển hành khách
đơn lẻ theo yêu cầu của khách hàng bằng ô tô dưới 9 chỗ. Trong khi đó, ý nghĩa
của app của Grab là hành vi mang tính đơn thuần cung cấp dịch vụ trung gian giữa
người muốn cung cấp dịch vụ vận chuyển và người có nhu cầu di chuyển bằng ô tô
dưới 9 chỗ.
Nhưng trong suốt quá trình điều tra, VCA luôn bám theo hướng
các hãng taxi là đối thủ cạnh tranh (nằm trên cùng thị trường liên quan với
Grab và Uber). Điều này thiếu logic và không nhất quán.
Nhìn từ góc độ hoạt động, một doanh nghiệp cung cấp dịch
vụ vận chuyển hành khách bằng ôtô [dưới 9 chỗ] có thu phí luôn có các đặc tính
sau:
§ Họ có một đội ngũ tài xế và xe để vận chuyển khách hàng.
§ Quyết định mức phí, các chương trình khuyến mại đối với dịch
vụ vận chuyển và thu được các phí này.
Từ góc độ này, ta thấy bản chất Grab là một hãng taxi. Bởi
họ có sẵn đội ngũ tài xế, xe ôtô để vận chuyển khách hàng. Điều quan trọng là
những tài xế chạy xe cho Grab không có quyền quyết định giá cước đối với khách
hàng. Chính điều này mới chính là điểm cốt lõi thể hiện bản chất “hãng taxi” của
Grag chứ không phải chỉ là một đơn vị trung gian như cách mà VCA đang khẳng định.
Nhìn từ góc độ của khách hàng, họ có nhu cầu di chuyển bằng
ôtô dưới 9 chỗ, một cách truyền thống họ sẽ gọi taxi. Tuy nhiên, giờ đây họ có
thể THỎA MÃN nhu cầu này bằng cách mở app của Grab. Nói cách khác, khách hàng
có nhu cầu cần được chở bằng ôtô có trả phí và Grab có khả năng đáp ứng nhu cầu
của họ giống như một hãng taxi. Bất kể định danh của Quyết định số 24/QĐ-BGTVT
như thế nào, trong mắt khách hàng, Grab là một hãng taxi cũng như các hãng taxi
[truyền thống] khác đang tồn tại trên thị trường.
Cho nên, cần phải xác định chính xác thị trường liên quan
trong trường hợp này sẽ là THỊ TRƯỜNG CUNG CẤP DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN BẰNG ÔTÔ DƯỚI
9 CHỖ CÓ THU PHÍ. Chỉ khi đó, mới tính tiếp đến việc các hãng taxi có nằm trên
thị trường liên quan với Grab hay không.
Đồng thời, tại thời điểm tiến hành, cả Grab và Uber đều
cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô. Trong trường hợp này, đối thủ của Grab
và Uber là các tài xế xe ôm đơn lẻ trên các khu vực địa lý mà hai hãng này đang
hoạt động. Nhưng viẹc VCA không xác định đây là thị trường liên quan là một thiếu
sót.
1.2. Cách tiến hành khảo sát phản ứng người dùng
khi Grab thay đổi giá
Một trong những điều kiện để xác định các doanh nghiệp nằm
trên cùng thị trường liên quan hay không chính là xác định các doanh nghiệp này
có cung cấp hàng hóa, dịch vụ với mức giá có thể thay thế cho nhau hay không.
Theo điểm c khoản 5 Điều 4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP thì “hàng
hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế được cho nhau về giá cả nếu trên 50% của
một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý
liên quan chuyển sang mua hoặc có ý định mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc
tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý
định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và
được duy trì trong 06 tháng liên tiếp”.
Trên cơ sở đó, VCA đã tiến hành khảo sát khoảng 1000 người
mỗi thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Cụ thể tại Hà Nội khi giá dịch vụ của Uber
tăng quá 10%, có 51,05% số người được hỏi cho biết sẽ không sử dụng dịch vụ của
Uber, trong đó 58,21% số người được hỏi sẽ chuyển sang gọi taxi truyền thống để
thay thế. Cách làm này áp dụng tương tự cho Grab và thị trường thành phố Hồ Chí
Minh. Cách điều tra này của VCA theo tác giả là tiến hành một cách dễ dãi và
chưa bảo đảm thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp. Có thể lý giải thông qua
các điểm sau:
Thứ nhất: Đặc thù của các hãng như Grab họ luôn đưa ra
các mức giá rất khác nhau. Sự khác nhau này phụ thuộc vào các chương trình khuyến
mại, thời gian di chuyển và thời tiết. Cho nên, VCA phải trả lời cho câu hỏi, mức
giá được đưa ra khảo sát là mức giá được xác định như thế nào. Việc VCA sử dụng
nguyên văn của qui định tại điểm c khoản 5 Điều 4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP để
làm phiếu khảo sát không phản ánh hết thực tiễn định giá của các doanh nghiệp
và tính máy móc không đáng có từ một cơ quan quản lý về cạnh tranh.
Thứ hai: Không có khái niệm “taxi truyền thống”. Sự nhạy
cảm của phản ứng người dùng được điểm c khoản 5 Điều 4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP
đo bằng sự thay đổi giá rất nhỏ là “tăng lên quá 10%”. Cho nên, các hãng taxi giá rẻ và các hãng taxi lớn
trên thị trường, không hẳn cứ là doanh nghiệp taxi, thì đã là doanh nghiệp nằm
trên cùng thị trường liên quan. Một cách trực quan, có thể hình dung điều này
thông qua cách tính phí như sau:
§ Hãng
taxi A (giá rẻ): 02 km đầu: 7500 VND/km, mỗi km tiếp theo là 5500/km.
§ Hãng
taxi B: 02 km đầu 12500 VND/km, mỗi km tiếp theo là 7500/km.
Ngay cả khi A tăng giá lên 12% so với ví dụ trên và duy
trì trong 6 tháng liên tiếp, không chắc là người dùng sẽ chuyển sang hãng B.
Nói cách khác, tự thân các doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ taxi không làm
cho các doanh nghiệp này cũng nằm trên một thị trường sản phẩm liên quan.
Cho nên khi VCA tự động xếp các hãng cung cấp dịch vụ
taxi một cách mặc định là cùng nằm trên một thị trường sản phẩm liên quan chẳng
những thể hiện sự thiếu cẩn trọng mà quan trọng hơn nó sai hoàn toàn với yêu cầu
về xác định thị trường sản phẩm liên quan được qui định tại điểm c khoản 5 Điều
4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP.
2. Chủ thể của hành vi
tập trung kinh tế
Theo quyết định thì có hai doanh nghiệp bị điều tra đối với
hành vi tập trung kinh tế là Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt
Nam. Bên cạnh đó, Công ty Uber B.V. (Hà Lan) được xác định là người có quyền,
nghĩa vụ liên quan.
Công ty Uber Việt Nam khẳng định họ không và chưa bao giờ
hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực gọi xe hay cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt
Nam. Uber Việt Nam chỉ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ (như marketing, điều tra, khảo
sát thị trường...) cho Công ty Uber B.V., một thực thể nước ngoài vận hành ứng
dụng Uber và đây là các dịch vụ thông thường, ngoài Uber Việt Nam còn nhiều
công ty khác có thể cung cấp cho Công ty
Uber B.V. những dịch vụ này.
Để có thể xác định chủ thể của hành vi “tập trung kinh tế”,
cần thiết phải nhìn từ góc độ vận hành của mô hình mà Grab và Uber đang sử dụng
để kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng taxi tại Việt Nam. Theo
đó, có hai đầu việc cơ bản để cho hoạt động kinh doanh có thể tiến hành được: Một
là hoạt động vận hành và hai là các hoạt động hỗ trợ.
Vận hành được hiểu là doanh nghiệp (Grab và/hoặc Uber) phải
kết nối được khách hàng đang có nhu cầu muốn đi xe với các tài xế chạy xe. Theo
đó, đơn vị nào chịu trách nhiệm cho việc vận hành phải xây dựng ứng dụng và
luôn bảo đảm rằng ứng dụng này luôn trong tình trạng hoạt động tốt.
Các hoạt động hỗ trợ được hiểu là bất kì hoạt động nào
[trong chừng mực không vi phạm điều cấm của pháp luật] giúp cho khách hàng biết
đến dịch vụ vận chuyển của Grab và/hoặc Uber để qua đó thúc đẩy họ sử dụng dịch
vụ. Có thể kể đến các hoạt động như marketing, phân tích thị trường, dữ liệu
người dùng, cơ sở dữ liệu bản đồ... Tất cả những yếu tố này có tác dụng lớn
trong việc giúp Grab cải thiện dịch vụ và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường vận
chuyển.
Bởi thế, tôi đồng ý với lập luận của Uber Việt Nam khi họ
tranh luận rằng “Uber Việt Nam chỉ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ (như marketing,
điều tra, khảo sát thị trường...) cho Công ty Uber B.V. và đây là các dịch vụ
thông thường, ngoài Uber Việt Nam còn nhiều công ty khác có thể cung cấp cho Công ty Uber B.V.”. Nhìn từ góc độ kỹ thuật,
các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình như Grab có thể cân nhắc việc việc nhập
chung cả hai hoạt động vận hành và hoạt động hỗ trợ bởi một doanh nghiệp duy nhất
hoặc tách hai hoạt động này thành hai bộ phận [pháp nhân] khác nhau.
Cho nên, để xác định đâu là chủ thể thật sự của hành vi tập
trung kinh tế, VCA phải trả lời cho câu hỏi: Doanh nghiệp nào có thể tác động cạnh
tranh trên thị trường dịch vụ vận chuyển? Nhìn từ vụ việc này, Uber Việt Nam chỉ
là đơn vị cung cấp các hoạt động hỗ trợ. Các hoạt động này nó sẽ xoay quanh và
phục vụ cho vận hành ứng dụng Uber. Ngay cả khi Uber Việt Nam không tồn tại,
xét về mặt kỹ thuật Uber B.V. vẫn có thể tiến hành hoạt động marketing, thuê hoặc
mua dữ liệu từ các công ty khác. Các yêu cầu cho việc vận hành Ứng dụng Uber
(được tiến hành và sở hữu bởi Uber B.V. – Hà Lan) sẽ quyết định mua dữ liệu
nào, nghiên cứu hành vi người dùng cũng như các yêu cầu đối với các chiến lược
marketing.
Trong vụ việc này, việc VCA xác định Uber Việt Nam là chủ
thể của hành vi tập trung kinh tế là một sai lầm. Bởi như trên đã phân tích,
chính Uber B.V. mới là chủ thể của hành vi. Bởi chính doanh nghiệp này mới là
doanh nghiệp đang tiến hành cung cấp các dịch vụ vận chuyển tại thị trường Việt
Nam. Lý giải cho việc tại sao bên cạnh Hợp đồng mua bán chung (Perchase
Agreement), tại Việt Nam các bên phải kí thêm Hợp đồng chuyển nhượng và tiếp nhận
nghĩa vụ (Bill of Sale), bởi ngoài việc phải xứ lý mối quan hệ với các tài xế
và khách hàng, thì bên mua phải sở hữu cơ sở dữ liệu của thị trường Việt Nam.
Chính các cơ sở dữ liệu này, khi tích hợp vào hệ thống của bên mua, nó sẽ góp
phần hoàn chỉnh hoạt động của bên mua, đặc biệt là đối với phần tài xế và khách
hàng mà họ vừa tiếp nhận từ bên bán.
Đến đây, VCA sẽ phải trả lời cho câu hỏi: Luật cạnh tranh
2004 có áp dụng đối với pháp nhân nước ngoài hay không? Theo qui định tại Khoản
1 Điều 2, thì Luật Cạnh tranh sẽ áp dụng đối với “Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh
nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích,
doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước và
doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam”.
Như vậy theo qui định này, các doanh nghiệp nước ngoài,
nhưng có hoạt động tại Việt Nam vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh
2004. Và như phân tích ở trên, chính Uber B.V. chứ không phải Uber Việt Nam là
doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan với Grab. Hệ quả là việc VCA xác định
Uber Việt Nam là chủ thể của hành vi tập trung kinh tế là một sai lầm. Bởi,
theo qui định tại Điều 18, Điều 20 LCT thì điều kiện tiên quyết của các vụ tập
trung kinh tế là các doanh nghiệp tham gia vào vụ việc phải là các doanh nghiệp
trên cùng thị trường liên quan.
3. Hành vi tập trung
kinh tế
Với cấu trúc giao dịch được xác lập từ Hợp đồng mua bán
chung và Hợp đồng chuyển nhượng và Tiếp nhận nghĩa vụ, VCA đã xác định đây là một
dạng chuyển giao tài sản và nghĩa vụ (mua bán tài sản) chứ không phải là hợp đồng
mua bán cổ phần[1]. Theo đó, VCA nhận định
giao dịch mua bán tài sản này sẽ dẫn đến hệ quả là Grab kiểm soát, chi phối
toàn bộ hoạt động của Uber dựa trên hai lập luận sau:
Thứ nhất,
giao dịch liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản theo đó bên mua có thể kiểm
soát, chi phối hoạt động kinh doanh của bên bán. Trong bối cảnh của giao dịch,
việc xác định quyền biểu quyết là không liên quan, vì giao dịch không phải là
giao dịch chuyển nhượng vốn.
Thứ hai,
theo các điều khoản của Hợp đồng mua bán chung, Grab mua lại toàn bộ hoạt động
kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á thông qua việc mua lại tài sản. Theo
đó, toàn bộ tài sản liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á đều được
chuyển giao cho Grab. Các tài sản chuyển giao không chỉ bao gồm tài sản của các
công ty con của Uber tại Đông Nam Á (bao gồm Uber Việt Nam), mà bao gồm cả một
số tài sản của các công ty Uber tại Hà Lan là một phần hoạt động kinh doanh của
Uber tại thị trường Đông Nam Á cũng được chuyển giao cho Grab[2].
Theo qui định tại Điều 16 Luật Cạnh tranh 2004, có 5 hành
vi được xác định là tập trung kinh tế bao gồm: (i) Sáp
nhập doanh nghiệp;
(ii) Hợp nhất doanh nghiệp; (iii) Mua lại doanh nghiệp; (iv) Liên doanh giữa các
doanh nghiệp và (v) Các
hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Xét về mặt logic, hành vi của Grab và Uber phải rơi vào một
trong 5 trường hợp nêu tại Điều 16 LCT thì mới đủ cơ sở để bàn tiếp hành vi tập
trung kinh tế này là bị cấm hay không? Cho nên, trong trường hợp nếu giao dịch
giữa Grab và Uber không thuộc phạm vi của Điều 16 thì cũng có nghĩa hành vi của
họ không chịu sự điều chỉnh của LCT 2004.
Theo các qui định của pháp luật Việt Nam tính đến ngày
25.03.2018 (ngày ký kết hợp đồng mua bán chung giữa Grab và Uber) thì không có
qui định nào khác ngoài 4 trường hợp được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4 của Điều
16 LCT 2004. Trên cơ sở đó VCA xác định giao dịch giữa Grab và Uber là hành vi
mua lại doanh nghiệp theo qui định tại khoản 3 Điều 17 LCT 2018[3].
Theo qui định của Khoản 3 Điều 17, hành vi mua lại doanh
nghiệp sẽ có hai dạng là mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của
doanh nghiệp khác. Hệ quả của hành
vi mua này là sẽ dẫn đến việc bên mua có quyền kiểm soát, chi
phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Theo hướng dẫn của Điều 34 Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày
15 tháng 9 năm 2005 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Cạnh tranh thì “kiểm soát hoặc chi phối toàn bộ hoặc một
ngành nghề của doanh nghiệp khác quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật Cạnh
tranh là trường hợp một doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp kiểm soát)
giành được quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp khác (sau đây gọi là doanh
nghiệp bị kiểm soát) đủ chiếm được trên 50% quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ
đông, Hội đồng quản trị hoặc ở mức mà theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ
của doanh nghiệp bị kiểm soát đủ để doanh nghiệp kiểm soát chi phối các chính
sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị kiểm soát nhằm thu được lợi ích
kinh tế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị kiểm soát”.
Về mặt thực tiễn, có hai cách để bên mua có thể kiểm soát
và/hoặc chi phối hoạt động của bên bán tùy thuộc vào cấu trúc giao dịch là mua
cổ phần hay mua tài sản. Nếu cấu trúc giao dịch là mua bán cổ phần (hoặc phần
phần vốn góp) thì bên mua phải sở hữu mức cổ phần đủ để kiểm soát các quyết định
của cơ quan cao nhất trong công ty (Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành
viên tùy thuộc vào mô hình của bên bán). Trong trường hợp cấu trúc giao dịch là
mua bán tài sản, thì vấn đề đã trở nên khác hoàn toàn. Với bản chất mua đứt bán
đoạn, bản thân các thỏa thuận mua bán không thể giúp bên mua kiểm soát hoạt động
kinh doanh của bên bán hoặc thậm chí ngăn cản việc gia nhập trở lại thị trường
sau khi giao dịch hoàn tất nếu không kèm theo đó là các thỏa thuận chống cạnh
tranh hoặc sử dụng các công cụ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ làm rào cản.
Tuy nhiên, hướng dẫn của Nghị định 116/2005/NĐ-CP chỉ xác
định quyền kiểm soát thông qua một tiêu chí duy nhất là quyền bỏ phiếu tại Đại
hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị[4].
Nói cách khác, nếu hành vi mua tài sản nhưng không mag lại cho bên mua quyền bỏ
phiếu tại Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị thì sẽ không bị coi là hành
vi mua lại theo qui định tại Khoản 3 Điều 16 và Khoản 3 Điều 17 LCT 2004. Như vậy,
mặc dù lập luận của VCA là phù hợp với thực tiễn thị trường, nhưng nhìn từ góc
độ qui định của pháp luật cạnh tranh lập luận này không chính xác. Nhìn từ góc
độ này tác giả đồng ý với nhận định của Hội đồng xử lý vụ việc cho rằng giao dịch
giữa Grab và Uber không đủ yếu tố cấu thành hành vi tập trung kinh tế với lập
luận “công ty TNHH GrabTaxi đã giành được quyền sở hữu tài sản của công ty
TNHH Uber Việt Nam. Tuy nhiên [...], sau khi nhận chuyển nhượng tài sản từ công
ty TNHH Uber Việt Nam, công ty TNHH GrabTaxi không tham gia quản lý công ty
TNHH Uber Việt Nam, không chiếm bất kì tỷ lệ quyền bỏ phiếu nào trong các cơ
quan quản lý của công ty TNHH Uber Việt Nam”[5].
4. Một
vài nhận xét về lập luận của Hội đồng xử lý
Trong vụ này, phân tích và cả phần quyết định của Hội đồng
xử lý chưa đến 4 trang A4. Trong đó có nhiều điểm mà đáng lý phải được nhận định
nhưng vì một lý do nào đó, bị bỏ qua.
Điểm thứ nhất là xác định thị trường liên quan trong vụ tập
trung kinh tế. Theo LCT 2004, thị phần là tiêu chí duy nhất để xác định một vụ
tập trung kinh tế được tiến hành, phải báo cáo hay cấm[6].
Mặc dù không đồng ý với kết luận của VCA về cách xác định thị trường liên quan,
nhưng tác giả đồng tình với VCA khi họ đã có sự đầu tư đáng kế khi xác định thị
trường liên quan và các yếu tố có liên quan đến thị trường liên quan như phản ứng
của người dùng khi thay đổi giá, thị phần của các bên có liên quan. Vụ việc
đang được đề cập đang phản ánh sự bùng nổ của một mô hình kinh doanh mới, tạo
nên sức ép lên các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống. Với
tính cách là cơ quan cạnh tranh, nhưng việc không xác định được hoặc cố tình bỏ
qua thị trường liên quan, để từ đó nhận diện được bản chất của cạnh tranh và
vai trò của doanh nghiệp trong thị trường liên quan, thì khó mà thuyết phục được
các bên về các đánh giá có hay không hành vi xâm phạm đến cạnh tranh trên thị
trường.
Điểm thứ hai bị Hội đồng xử lý bỏ qua một cách đáng tiếc
là xác định chủ thể của hành vi (bên bị điều tra). Điểm này chính là hệ quả của
việc xác định thị trường liên quan. Chỉ khi xác định được thị trường sản phẩm
liên quan và thị trường địa lý liên quan, cơ quan cạnh tranh (VCA và Hội đồng xử
lý) mới xác định được doanh nghiệp nào đang tác động đến cạnh tranh để từ vai
trò của doanh nghiệp trên thị trường mà xác định tư cách của doanh nghiệp trong
tố tụng cạnh tranh là bên bị điều tra hay chỉ là người có liên quan.
Điểm thứ ba đó là Hội đồng xử lý vụ việc đã khá vội vàng
khi quyết định không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về việc áp dụng mức
phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với Công ty TNHH
GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam. Bởi, dựa trên một luận điểm duy nhất là
giao dịch giữa Grab và Uber không thỏa mãn dấu hiệu của khoản 3 Điều 17 LCT
2004 để ra quyết định là chưa đánh giá đầy đủ các khía cạnh của vụ việc. Trong
trường hợp này, với các tình tiết bị bỏ sót như phân tích ở trên, có thể cân nhắc
áp dụng Khoản 2 Điều 81 LCT 2004 để trả lại hồ sơ vụ việc cạnh tranh cho cơ
quan quản lý cạnh tranh và yêu cầu điều
tra bổ sung.
[1] Đoạn 1 của mục 1 Quyết định 26/QĐ-HĐXL
[2] Đoạn 2 và Đoạn 3 của Mục 1 Quyết định
26/QĐ-HĐXL
[3] Mục 1 Quyết định 26/QĐ-HĐXL
[4] Điều 34 Nghị định 116/2005/NĐ-CP
[5] Mục III.1 Quyết định 26/QĐ-HĐXL
[6] Điều 18, Điều 20 Luật Cạnh tranh 2004
Nhận xét
Đăng nhận xét