“Sự kiện
bất khả kháng có nghĩa là tất cả những sự kiện vượt khả năng kiểm soát của Các
Bên, không thể biết trước được, không có sẵn và không thể khắc phục được xảy ra
sau ngày đặt hàng làm cản trở toàn bộ hay một phần việc thực hiện nghĩa vụ của
bất cứ Bên nào. Những sự kiện này bao gồm động đất, bão lớn, lũ lụt, hoả hoạn,
chiến tranh và những hành động của Chính phủ hoặc công chúng, bệnh dịch, nổi loạn,
đình công và bất cứ sự kiện nào không thể biết trước, không thể ngăn cản hoặc
kiểm soát được, bao gồm những sự kiện được xác định là sự kiện bất khả kháng
theo tập quán thương mại chung của Việt Nam”
Trên đây
là điều khoản qui định về bất khả kháng trong một hợp đồng mua bán hàng hóa. Với
tính chất là một trong những cơ sở miễn trách nhiệm, điều khoản bất khả kháng
ngày càng được sự quan tâm lớn và hầu như là một điều khoản không thể thiếu
trong các hợp đồng. Có hai chuyện cần làm rõ xoay quanh qui định này:
Một là:
Có phải cứ qui định về bất khả kháng như trên, khi các điều kiện như động đất,
núi lửa, đình công...xảy ra thì coi đó là bất khả kháng và bên vi phạm hợp đồng
sẽ được miễn trách nhiệm?
Hai là:
Hệ quả của bất khả kháng là gì? Pháp luật của hầu hết các nước đều ghi nhận một
nguyên tắc phổ biến, theo đó khi xảy ra sự kiện bất khả kháng bên vi phạm được
miễn trách nhiệm bồi thường/ phạt vi phạm. Nhưng sự kiện bất khả kháng có đương
nhiên làm cho hợp đồng tự động chấm dứt hay các bên vẫn phải thực hiện hợp đồng
đã giao kết?
THẾ NÀO
LÀ SỰ KIỆN MẤT KHẢ KHÁNG?
Bản chất
của hợp đồng là một sự thỏa thuận tự nguyện. Nói cách khác, lợi ích của hợp đồng
mang lại chính là động lực thúc đẩy các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Một
khi đã giao kết hợp đồng tự nguyện, các bên phải chịu trách nhiệm đối với những
gì mình đã thỏa thuận. Do vậy hệ quả nếu một bên có hành vi bội ước (vi phạm hợp
đồng) sẽ bị chế tài.
Nhưng
trên thực tế, có những sự kiện mà các bên hoàn toàn không ngờ đến khi giao kết
hợp đồng. Khi xảy ra sự kiện, họ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà vẫn
không thể nào ngăn chặn được. Sự kiện này làm cho một bên trong hợp đồng không
thực hiện được nghĩa vụ với bên kia. Hệ quả là một bên trong hợp đồng bị thiệt
hại!
Bên gây
ra thiệt hại, sẽ phải chịu trách nhiệm với bên còn lại trong hợp đồng. Vì bên
gây thiệt hại được xác định là có lỗi. Nguyên lí là như vậy. Nhưng trong trường
hợp này, vấn đề đã trở nên khác một chút. Vì khi giao kết hợp đồng cả hai bên
hoàn toàn không lường trước sẽ xảy ra một sự kiện như vậy. Đồng thời, họ đã thực
hiện một cách để ngăn ngừa thiệt hại. Nói như thế để thấy rằng, cho dù là bất cứ
ai ở trong hoàn cảnh như vậy cũng không thể khắc phục được.
Hội tụ cả
hai điều này, để thấy thiệt hại xảy ra là hoàn toàn ngoài ý muốn của các bên. Nếu
như bên bị thiệt hại “bắt đền” bên kia của hợp đồng thì oan ức quá! Pháp luật
ghi nhận các sự kiện như vậy dưới tên gọi “sự kiện bất khả kháng”. Nếu xảy ra sự
kiện bất khả kháng thì không phải bồi thường.
Việc miễn
trách nhiệm này xuất phát từ nguyên lí công bằng, ai ở vào trong hoàn cảnh này
(bất khả kháng) cũng đều không ngăn chặn được. Nhưng việc áp dụng bất khả kháng
sẽ dẫn đến thiệt hại của một bên không đòi được. Nhằm tránh việc trục lợi và bảo
đảm trật tự của hợp đồng, việc áp dụng qui định về bất khả kháng được cơ quan
xét xử (tòa án hoặc trọng tài) được tiến hành một cách cẩn trọng. Theo đó, tòa
án/trọng tài sẽ xác định bản chất của hành vi này:
Có phải
là sự kiện không thể tiên liệu được
Các bên
đã làm mọi cách mà không khắc phục được
Nói cách
khác, việc xác định sự kiện bất khả kháng sẽ được nhìn nhận trong từng hoàn cảnh
cụ thể. Cần phải thấy rằng, việc xác định
này hoàn toàn không phụ thuộc vào việc các bên có thỏa thuận về bất khả kháng
hay không. Cho dù các bên thỏa thuận các
sự kiện 1, 2...là sự kiện bất khả kháng thì không có nghĩa là sự kiện đó
sẽ được coi là sự kiện bất khả kháng mà cơ quan xét xử sẽ coi sự kiện các bên
thỏa thuận có đáp ứng hai tiêu chí của một sự kiện bất khả kháng hay không.
Cũng như trong trường hợp các bên hoàn toàn không thỏa thuận về sự kiện bất khả
kháng, thì tòa án/trọng tài vẫn xem xét cho hưởng miễn trách nếu sự kiện gây ra
thiệt hại đáp ứng các tiêu chí của bất khả kháng.
MIỄN
TRÁCH NHIỆM, RỒI SAO NỮA?
Như trên
đã đề cập, kết quả của bất khả kháng là sẽ miễn trách nhiệm cho các thiệt hại xảy
ra. Rồi sao nữa? Một hợp đồng mua bán hàng hóa. Bên bán có nghĩa vụ phải giao
hàng cho bên mua trong thời hạn một tháng. Nhưng vì tàu chở hàng của bên bán gặp
bão, chìm tàu cùng với hàng hóa. Kết quả bên bán không thể giao hàng cho bên
mua.
Sự kiện
chìm tàu là bất khả kháng. Việc chậm giao hàng sẽ không truy cứu trách nhiệm.
Nhưng bên bán có phải tiếp tục giao hàng không? Qui định về sự kiện bất khả
kháng là nhằm miễn trách nhiệm cho bên gây thiệt hại trong hợp đồng về việc
không thực hiện hợp đồng. Nhưng luật hợp đồng không coi bất khả kháng là căn cứ
chấm dứt hợp đồng.
Do vậy,
cần phân biệt bất khả kháng với góc độ là căn cứ miễn trách nhiệm và các căn cứ
chấm dứt hợp đồng. Pháp luật chia sẻ với bên vi phạm hợp đồng vì lí do đặc biệt
của hoàn cảnh. Nhưng pháp luật cũng phải tôn trọng thỏa thuận của các bên trong
hợp đồng (đã được các bên giao kết tự nguyện). Vì vậy, khi sự kiện này đã qua,
bên vi phạm phải thực hiện hợp đồng với bên còn lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét