Chuyển đến nội dung chính

Cổ phần biểu quyết hay phiếu biểu quyết?

Trên TBKTSG số 40-2011 (ngày 29.09.2011) tác giả Cao Huyền Trang đã đặt ra câu hỏi như trên. Trong bài viết, tác giả có dẫn một tranh chấp có liên quan. Một công ty cổ phần có 10 cổ đông. Trong đó có 8 cổ đông nắm giữ 70% cổ phần phổ thông và 2 cổ đông còn lại nắm giữ 30% cổ phần phổ thông. ĐHĐCĐ của một công ty thông qua quyết định, trong đó tám thành viên tán thành, hai thành viên (đang nắm giữ 30% cổ phần phổ thông) không có ý kiến.

Theo đó, có quan điểm cho rằng quyết định này không có giá trị pháp lý vì những người biểu quyết thông qua quyết định chỉ nắm giữ 70% cổ phần có quyền biểu quyết. Trong khi ý kiến của nhóm cổ đông khác thì lại cho rằng công ty có 10 cổ đông, 8 cổ đông biểu quyết thông qua. Theo khoản 5 điều 104 luật doanh nghiệp, “Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”. 8/10 người thông qua, nên Nghị quyết này là hợp pháp.

Quan điểm của tác giả Cao Huyền Trang cho rằng khoản 5 điều 104 diễn tả chưa được chưa rõ ràng, nên cần phải sửa qui định này thành: “Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện cho ít nhất 75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông hiện hữu chấp thuận, tỉ lệ cụ thể do điều lệ công ty qui định”.

Tuy vậy, nếu xét kĩ hơn, bản chất của vấn đề dường như không phải như vậy.
Trong công ty cổ phần có hai vấn đề cần lưu ý: (1) Sở hữu trong công ty cổ phần là sở hữu chung theo phần. Các cổ đông của công ty được xác định là các đồng sở hữu của công ty. Do đó, hệ quả là việc quyết định các vấn để quan trọng trong công ty là do ĐHĐCĐ (bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết của công ty) quyết định. (2) Khác với công ty TNHH nhiều thành viên (theo luật doanh nghiệp Việt nam là từ 2 cho đến 50 thành viên) vốn trong công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Nói cách khác, cổ phần là đơn vị nhỏ nhất cấu thành nên vốn điều lệ của công ty cổ phần.

Xuất phát từ chỗ cổ phần là đơn vị nhỏ nhất cấu thành nên vốn điều lệ, luật công ty thiết kế các quyền lợi của cổ đông cũng trên cơ sở này. Cụ thể, ai sở hữu bao nhiêu cổ phần thì sẽ được chia lợi nhuận tương ứng với số cổ phần đó và quyết định các vấn đề khác trong công ty cũng tương ứng với số cổ phần mà họ nắm giữ. Mặt khác, nếu công ty thua lỗ, người nào sở hữu nhiều cổ phần hơn thì sẽ chịu tổn thất nhiều hơn. Điều đó cũng có nghĩa là nếu như cùng sở hữu một cổ phần thì quyền biểu quyết và hưởng lợi nhuận là như nhau. Như vậy là rất công bằng. Nguyên lí nền tảng ban đầu là như vậy.
Theo điểm a, khoản 1 điều 79 luật doanh nghiệp, mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.

Tuy vậy, theo thời gian nguyên lí này có một số biến tấu, quyền lợi nghĩa vụ của thành viên có sự thay đổi một chút với sự ra đời của các loại cổ phần ưu đãi. Liên quan đến câu chuyện đang được bàn ở đây, bài viết chỉ đề cập đến cổ phần ưu đãi biểu quyết mà thôi. Như tên gọi, người sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ được hưởng một ưu đãi, ưu đãi về biểu quyết. Đã gọi là cổ phần ưu đãi (không phải là phổ thông) có nghĩa là nếu công ty có qui định thì mới có loại cổ phần này, nếu công ty không có qui định thì sẽ không có. Lí do là nhà làm luật muốn dành các biệt lệ cho những đối tượng rất đặc biệt trong công ty [Lưu ý là không phải cổ đông nào cũng có quyền sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết mà chỉ có cổ đông sáng lập và tổ chức do chính phủ ủy quyền đại diện phần vốn góp tại doanh nghiệp mới được sở hữu.]. Cũng vì đó mà số phiếu biểu quyết của mỗi cổ phần loại này sẽ nhiều hơn 1 phiếu. Về mặt pháp lý luật doanh nghiệp không ấn định cụ thể mỗi cổ phần ưu đãi biểu quyết có bao nhiêu phiếu biểu quyết mà dành quyền quyết định cho các công ty tự quyết định số phiếu cụ thể trong điều lệ của công ty mình.

Về mặt lí luận, giới học thuật gọi công ty cổ phần là một loại hình công ty đối vốn. Có nghĩa là mọi việc trong công ty cứ căn cứ vào số vốn nhiều hay ít mà quyết định. Một quyết định của công ty được thông qua khi được sự chấp thuận của cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ phần lớn vốn của công ty chấp thuận (theo luật doanh nghiệp là 65% hoặc 75% tùy từng trường hợp).

Tương ứng với mỗi cổ phần (phổ thông) sở hữu, cổ đông sẽ có một phiếu biểu quyết. Một người sở hữu một cổ phần cũng gọi là cổ đông, sở hữu nhiều cổ phần cũng gọi là cổ đông. Có điều giữa một người sở hữu một CPPT và một người sở hữu nhiều CPPT sẽ khác biệt là người này có một phiếu biểu quyết hay nhiều phiếu biểu quyết. Tới đây ta rút ra một kết luận, đó là hai cổ đông sở hữu số CPPT khác nhau thì chắc chắn hai cổ đông này sẽ có số phiếu biểu quyết khác nhau tương ứng với số lượng CPPT mà các cổ đông này đang sở hữu.

Quay lại câu chuyện đang tranh chấp. Rõ ràng lập luận cho rằng công ty có 10 cổ đông nên mỗi người có một phiếu biểu quyết và tổng số phiếu biểu quyết của toàn bộ các cổ đông là 10. Cho nên việc 8/10 cổ đông bỏ phiếu tán thành đồng nghĩa với việc nghị quyết này được sự chấp thuận của 80% tổng số phiếu có quyền biểu quyết, quyết định được thông qua, là một sự nhầm lẫn lớn.

Khi đề cập đến số phiếu có quyền biểu quyết, hàm ý của điều 104 khoản 5 đang muốn nói đến quyền biểu quyết tương ứng với số cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi biểu quyết mà cổ đông sở hữu trong công ty. Một điều chắc chắn đã là cổ đông sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết (bao gồm cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi biểu quyết) thì cổ đông sẽ có quyền biểu quyết. Nhưng không vì thế mà có thể khẳng định số phiếu mà mỗi người có là bằng nhau. Do đo, ta sẽ dễ dàng kết luận được ý kiến cho rằng 8/10 cổ đông bỏ phiếu đồng ý có nghĩa quyết định được thông qua với tỉ lệ là 80% số phiếu có quyền biểu quyết là sai lầm.

Với khuyến nghị nên thay đổi khoản 5 điều 104 của luật doanh nghiệp Việt nam thành “Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định” cần phải xem lại bởi:
Trong trường hợp công ty chỉ có một loại cổ phần có quyền biểu quyết là cổ phần phổ thông, khuyến nghị này là chấp nhận được. Vì mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết. Cho nên nói số phiếu biểu quyết hay cổ phần có quyền biểu quyết không khác biệt gì lắm.

Trong trường hợp công ty có thêm cổ phần ưu đãi biểu quyết, vấn đề sẽ trở nên khác đi. Lúc này cổ phần có quyền biểu quyết gồm có (i) cổ phần phổ thông và (ii) cổ phần ưu đãi biểu quyết. Giả sử mỗi cổ phần ưu đãi biểu quyết có hai phiếu biểu quyết. Như vậy, hai cổ phần có quyền biểu quyết (1CPPT + 1 CPƯĐBQ) đã có đến ba phiếu biểu quyết. Cho nên số cổ phần có quyền biểu quyết và số phiếu biểu quyết là khác nhau mất rồi. Nếu như căn cứ theo tỉ lệ cổ phần có quyềnbiểu quyết thay vì căn cứ vào số phiếu có quyền biểu quyết, vô hình trung đã xóa bỏ mất vai trò của loại cổ phần ƯĐBQ. Vì cho dù có qui định tỉ lệ số phiếu biểu quyết cao hơn bao nhiêu so với CPPT cũng không có ý nghĩa gì vì tỉ lệ được áp dụng không phải là số phiếu biểu quyết mà chỉ căn cứ vào số lượng cổ phần mà thôi.
Tóm lại, qui định của khoản 5 điều 104 luật doanh nghiệp là hoàn toàn hợp lí, không cần phải thay đổi số phiếu biểu quyết thành số cổ phần có quyền biểu quyết. Đừng vì một suy luận không logic mà thay đổi một qui định đúng bản chất của vấn đề.
Bài này tôi đã đăng trên Saigon Times ngày 17/10/2011

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...