Chuyển đến nội dung chính

Tranh chấp quản trị 05: Tranh chấp góp vốn


Tóm tắt
Các công ty sau một thời gian hoạt động sẽ có nhu cầu tăng vốn theo hình thức thành viên và/hoặc cổ đông góp thêm vốn. Nhưng các thủ tục liên quan đến đến vấn đề tăng vốn này tưởng chừng đơn giản như trên thực tế, các tranh chấp phát sinh lại mang tính phổ biến. Cổ đông sẽ bảo vệ quyền lợi của mình như thế nào trong trường hợp họ đã góp vốn nhưng Công ty lại chưa/không cập nhật các biến động này?

Vụ việc
Theo đơn khởi kiện ngày 12/12/2012 và các lời khai tại tòa án thì Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tân Phát (gọi tắt là Tân Phát) là cổ đông của CTCP Trường Thành (gọi tắt là Trường Thành):

Vào lúc 13h30 ngày 23/11/2012 thì CTCP Trường Thành tiến hành ĐHĐCĐ tại số 35 đường Quang Trung, TP. Buôn Mê Thuộc. Trước đó, vào lúc 13h15 ông Võ Trường Thành (chủ tịch HĐQT Trường Thành) và ông Phạm Hoài Nam (giám độc Tân Phát) đã có thỏa thuận thông qua điện thoại, sẽ họp tại số 7 Phan Chu Trinh, Buôn Mê Thuộc nhưng sau đó đã chuyển địa điểm đến 35 Quang Trung, nên đại diện của Tân Phát không thể tham dự được. 40 phút sau thời gian tiến hành đại hội, đại điện công ty đến địa chỉ 35 Quang trung tham dự nhưng bị bảo vệ ngăn cản. 

Tân Phát cho rằng họ đang sở hữu 37% cổ phần của Trường Thành nên việc cho tiến hành họp ĐHĐCĐ mà không có sự tham gia của họ là vi phạm luật Doanh nghiệp. Vì vậy, Tân Phát khởi kiện yêu cầu tòa: hủy bỏ biên bản họp ĐHĐCĐ và quyết định của ĐHĐCĐ ngày 23/11/2012.

Công ty Trường Thành trình bày:
Bị đơn tổ chứ họp ĐHĐCĐ tại 35 Quang Trung, Buôn Mê Thuộc và có gửi thư mời ghi rõ mọi thông tin kèm theo các giấy tờ cần thiết. Tân phát và các cổ đông khác đều nhất trí với mọi nội dung và chương trình đại hội. Ông Phạm Hoài Nam có gửi thư mời đến người thân quyến của ông, có ghi rõ thời gian địa điểm như trên. Khi đến nơi, ông Nam có dẫn theo nhiều nhà báo và vệ sỹ, Trường Thành không đồng ý cho nhà báo và vệ sỹ tham dự đại hội nên ông Nam không chịu vào tham dự, đứng ngoài gây gổ. Bị đơn quyết định tổ chức họp ĐHĐCĐ mà không có đại diện của Tân Phát. 

Ngoài ra, trước thời gian họp ĐHĐCĐ 15 phút, bên nguyên đơn có yêu cầu đổi địa điểm về số 7 Phan Chu Trinh nhưng không được các cổ đông các cổ đông khác của Trường Thành đồng ý.

Tại thời điểm tiến hành ĐHĐCĐ ngày 23/11/2012 các cổ đông có mặt sở hữu 66.18% cổ phần của Trường Thành, số cổ phần của Tân Phát sở hữu là 33,82% vốn điều lệ. Vì ngày 30/05/2008, công ty Trường Thành tiến hành ĐHĐCĐ và quyết định tăng vốn điều lệ từ 53.191.490.000 đồng lên 88.191.490.000 đồng bằng cách chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu trong công ty. Nhưng vì tình hình kinh tế khó khăn nên chỉ có một cổ đông là CTCP Kĩ nghệ Trường Thành mua 500.000 cổ phần. Hiện tại vốn điều lệ của Trường Thành là 58.191.490.000 đồng. Mặc dù công ty chưa đăng kí thay đổi giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp liên quan đến việc thay đổi vốn điều lệ, nhưng các thông tin về cổ đông đã được ghi chép vào sổ đăng kí cổ đông của công ty. 

Các vấn đề

  • Cổ đông đã thanh toán tiền mua cổ phần, nhưng công ty chưa đăng kí thay đổi vốn điều lệ
  • Tỉ lệ biểu quyết của cổ đông trong đại hội đồng cổ đông

[Giả định Luật Doanh nghiệp 2014 được áp dụng]

Bình luận
Luật doanh nghiệp 2014 cho phép công ty quyền chào bán cổ phần trong quá trình hoạt động để tăng vốn điều lệ. Việc chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức: (i) Chào bán cho các cổ đông hiện hữu; (ii) Chào bán ra công chúng; (iii) Chào bán cổ phần riêng lẻ - [Điều 122 LDN 2014]
Trong trường hợp của Trường Thành, công ty này đã lựa chọn hình thức tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cho các cổ đông hiện hữu. Tại thời điểm công ty tăng vốn điều lệ, công ty chỉ có 4 cổ đông. Như vậy, việc phát hành cổ phần mới này chỉ chịu sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp mà không chịu sự sự điều chỉnh của pháp luật chứng khoán. 

Nhìn từ góc độ qui trình, việc chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu sẽ được thực hiện qua các bước:
Thứ nhất: Trường Thành họp ĐHĐCĐ để quyết định phát hành cổ phần mới
Thứ hai: HĐQT sẽ gởi thông báo đến các cổ đông
Thứ ba: Cổ đông sẽ đăng kí mua và thanh toán.

Cổ phần được coi là đã bán khi được thanh toán đủ và những thông tin về người mua được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông; kể từ thời điểm đó, người mua cổ phần trở thành cổ đông của công ty [Khoản 4 Điều 124 LDN 2014]
Mặt khác, LDN 2014 cũng qui định: “công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành đợt bán cổ phần” - [Khoản 4 Điều 122 LDN 2014].

Như vậy, trong trường hợp cổ đông đã thanh toán đầy đủ số cổ phần, nhưng công ty chưa đăng kí thay đổi vốn điều lệ tại cơ quan đăng kí kinh doanh có làm cho việc mua cổ phần này không có giá trị hay không?
Nhìn từ chuỗi các hành vi được qui định tại điều 124 LDN 2014 thì nghĩa vụ của cổ đông trong trường hợp chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu sẽ hoàn tất khi họ đã thanh toán đủ số cổ phần mà họ đăng kí mua. Từ thời điểm thông tin của họ được ghi nhận vào trong sổ đăng kí cổ đông thì họ sẽ được hưởng các quyền tương ứng với các thông tin ấy. Cụ thể:

Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập dựa trên sổ đăng ký cổ đông của công ty. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập không sớm hơn 05 ngày trước ngày gửi giấy mời họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn - [Khoản 1 Điều 137 LDN 2014]

Qua qui định của điều 137 có thể thấy, việc cập nhật thông tin ở cơ quan đăng kí kinh doanh là nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp. Cổ đông hoàn toàn không có lỗi trong việc người quản lý chưa cập nhật thông tin.
Đồng thời, bản chất của việc cập nhật thông tin ở cơ quan đăng kí kinh doanh nhằm đáp ứng cho nhu cầu quản lý hành chính nhà nước chứ hầu như không có ý nghĩa đối với hoạt động của doanh nghiệp. Cho nên, cần thiết phải xác định hai vấn đề:

Một là: Người quản lý doanh nghiệp không tiến hành việc cập nhật thông tin, họ phải chịu trách nhiệm liên quan đến khía cạnh quản lý hành chính đối với/ trước nhà nước
Hai là: Việc không cập nhật này không ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông. Hầu như không có một căn cứ nào qui định minh thị rằng, phải có xác nhận hoặc đăng kí tại cơ quan nhà nước mới làm phát sinh quyền sở hữu cổ phần của cổ đông. Đồng thời, giả định rằng trong trường hợp công ty phát sinh nghĩa vụ tài chính với bên thứ ba sau thời điểm công ty tăng vốn. Nếu không thừa nhận quyền sở hữu của cổ đông liên quan đến các cổ phần mà họ đã mua (trong đợt phát hành cổ phần mới) thì cũng có nghĩa, họ sẽ có quyền thu hồi khoản tiền mới thanh toán cho công ty; bên thứ ba sẽ bị thiệt hại.

Cho nên, theo chúng tôi trong trường hợp này, Tân Phát chỉ sở hữu 33,82% vốn điều lệ của Trường Thành. Cho nên, cuộc họp ĐHĐCĐ của công ty tiến hành theo đúng qui định của pháp luật. 

Khuyến nghị

  • Tranh chấp này xảy ra liên quan đến nghĩa vụ cập nhật thông tin tăng vốn điều lệ khi công ty phát hành cổ phần mới. Cần phải thấy rằng, việc phát hành cổ phần mới luôn được tiến hành dựa trên quyết định của ĐHĐCĐ. Cho nên, cần thiết nên xác định trong quyết định thời gian của đợt chào bán cổ phần kéo dài trong bao lâu.
  • Mặt khác, theo qui định của luật doanh nghiệp (tại các điều 122, 123), công ty phải có nghĩa vụ cập nhật thông tin về thay đổi vốn điều lệ trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi kết thúc đợt phát hành. Do đó, cổ đông cần theo dõi để kiểm tra sau thời hạn, nhằm tránh tranh chấp như trong tình huống.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Vai trò của Quản trị trong vụ khủng hoảng tại Lộc Trời

  Chủ tịch Hội đồng quản trị của Lộc Trời trong cuộc phỏng vấn truyền thông gần đây đã bày tỏ rằng  Lộc Trời đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành. Công ty đã ở trong một trận đánh mà có nội gián vào sâu bên mình nhưng mình lại giao quyền điều hành cho người đó. Người đó có thể coi như đã dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó. Kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi. [Nguồn: Nhipsongthitruong ngày 08/10/2024]

Bộ Nguyên tắc Hợp Đồng Thương mại Quốc tế

Principles Of international commercial contracts (PICC) của International Institute for the Unification of Private Law (UNIDROIT) xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường, dù là người đã hành nghề nhiều năm trong lĩnh vực Hợp đồng hay đang bước đầu tìm hiểu lĩnh vực Pháp Luật Hợp Đồng thì cuốn này vẫn phù hợp với bạn.

Du học: Khoản đầu tư lời hay lỗ?

Bố mẹ chi gần 9 tỷ đồng du học, cô gái 30 tuổi nhẩm tính làm 19 năm mới đủ “hồi vốn”: Nhiều du học sinh “vỡ mộng” khi về nước vì "lỗ to" bất ngờ. Đây là tựa một bài báo mà tôi đọc được sáng nay. Chắc cũng có kha khá bạn du học tự túc sẽ có cảm nhận tương tự. Nhân một ngày nắng đẹp, tôi nói chuyện Lời Lỗ Khi Du Học cho bạn nghe nhen. Cái gì thú vị thì nghe, không đồng ý cũng không sao, miễn đừng quạu...